'Ảnh xạ': Cô đọng hơn 20 năm nghiên cứu mỹ thuật của Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân 'Ảnh xạ' là sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ trong sự nghiệp nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo của họa sỹ, giảng viên Trang Thanh Hiền.

Họa sỹ Trang Thanh Hiền trong một cuộc giao lưu, tọa đàm về mỹ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ảnh xạ” - triển lãm cá nhân của Phó Giáo sư-Tiến sỹ-họa sỹ Trang Thanh Hiền sẽ diễn ra từ 7-15/11 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy dó và điêu khắc mang đậm triết lý Phật giáo.

Về tên triển lãm, họa sỹ Trang Thanh Hiền cho biết “Ảnh xạ” đến với chị một cách hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân.

"Tôi tự ví tâm hồn mình như mặt nước hồ, phản chiếu vô vàn những khoảnh khắc của cuộc sống. Những tác phẩm của tôi chính là sự khúc xạ của những giá trị sống. Chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, hay kỹ thuật tạo hình mà có cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh," họa sỹ bày tỏ.

Trang Thanh Hiền không chỉ là họa sỹ, giảng viên mà còn là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực lịch sử mỹ thuật và mỹ thuật trong tôn giáo. Với triển lãm lần này, chị dùng tác phẩm để kể lại câu chuyện từ khi “chập chững” vào nghề từ hơn 20 năm trước.

Một số công trình nghiên cứu của họa sỹ Trang Thanh Hiền đã được in thành sách. (Ảnh: Khánh Long/TTXVN)

"Những bức vẽ dường như khiến tôi trở lại với thời tuổi trẻ với bao nhiêu hoài bão. Đến nay, sự hiển thị của những ý tưởng trong ‘Ảnh xạ’ trở nên sắc nét, đa chiều, nhiều suy ngẫm hơn. Nó vừa tạo nên một sợi dây liên kết xuyên suốt quá trình sáng tác, nhưng cũng ở thời điểm này, những nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo, đã giúp tôi tự soi rọi, tìm thấy mình trong vô số những xáo trộn của đời sống đương đại,” họa sỹ bày tỏ.

Phật giáo gắn liền với biểu tượng hoa sen, một giá trị tượng trưng từ ngàn đời về sự thanh khiết vươn lên trong bùn nhơ. Tranh của chị phản ánh những biểu tượng đó đan xen với những xúc cảm nội tâm của chính mình.

Họa sỹ cho rằng “Ảnh xạ” không chỉ đơn thuần là sự phản chiếu, mà là sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bóng hình biểu tượng đã định hình từ những năm 2000 để vượt thời gian, hiện hữu, đồng hành trong nghiên cứu và sáng tác của Trang Thanh Hiền.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng Trang Thanh Hiền không chỉ đam mê với lý luận mà còn thực hành nghệ thuật với năng lượng cháy bỏng.

"Ở triển lãm cá nhân này, tác giả trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính cá nhân,” ông Nguyễn Nghĩa Phương nói.

Ông cho rằng các tác phẩm đều hiện diện bản chất nữ trong tinh thần khó đoán định, chấp chới giữa thanh tao và trần tục, giữa những chuyển động dữ dội và nét tự tại, bình thản.

Họa sỹ Trang Thanh Hiền hướng dẫn một em nhỏ người nước ngoài in tranh dân gian Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Họa sỹ Vũ Đình Tuấn thì cho rằng họa sỹ Trang Thanh Hiền đã phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật in khắc gỗ sắc sảo và cách xử lý mực nước loang nhòe phóng khoáng trên giấy dó, cho thấy cá tính gai góc và nền nã đã hợp nhất làm một.

“Hình tượng Phật phẳng hóa trong nhục thể kiết già, thanh tịnh và bí ẩn, đủ đầy hay trống vắng một nửa… được giao hòa giữa các họa tiết liên hoa, những chiếc lá hình môi, những thiên thủ thiên nhãn. Tất cả gợi ra một cấu trúc đồng hiện siêu thực, linh thiêng kiểu tranh thờ dân gian, nhưng lại trập trùng phồn thực và tự do theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh,” họa sỹ Vũ Đình Tuấn nhận xét./.

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Điêu khắc: Sen.

Tác phẩm 'Mơ hoa 1'.

Tác phẩm 'Ảnh xạ.'

Tác phẩm 'Tơ lòng.'

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-xa-co-dong-hon-20-nam-nghien-cuu-my-thuat-cua-trang-thanh-hien/905939.vnp