Anh muốn duy trì chính sách nhập cư và thương mại chặt chẽ với EU
Trong cuộc gặp với giới chủ lao động Anh (CBI), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bác bỏ đề xuất nới lỏng chính sách nhập cư và thương mại nhằm cải thiện tình hình việc làm.
Báo La Tribune cho biết trong cuộc gặp với giới chủ lao động Anh (CBI) đầu tuần này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bác bỏ đề xuất nới lỏng chính sách nhập cư và thương mại nhằm cải thiện tình hình việc làm và tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa với Liên minh châu Âu (EU).
Đối mặt với tình trạng thiếu lao động và các khó khăn về nguồn cung, giới chủ Anh đang tích cực vận động cho việc nới lỏng các hạn chế về di cư và thương mại hậu Brexit (chỉ việc nước Anh rời EU). Những ngày gần đây, tin đồn về việc xích lại gần hơn với EU thậm chí đã được một số tờ báo Anh đưa tin. Nhưng ngày 21/11, Thủ tướng Sunak đã khiến các ông chủ hẫng hụt khi tuyên bố ủng hộ một chính sách nhập cư có chọn lọc và duy trì thỏa thuận hiện có với Brussels.
Cuối tuần trước, các phương tiện truyền thông Anh đều nhắc lại khả năng thay đổi lập trường của Anh đối với EU trong vấn đề nhập cư. Đầu tuần này, ông Sunak là người rất được chờ đợi tại cuộc gặp với giới chủ Anh (CBI) ở Birmingham. Bài phát biểu của Chủ tịch CBI Tony Danker đã khiến ông Sunak chú ý hơn một chút vài phút trước khi ông bước lên sân khấu.
Ông cho rằng tại một đất nước đang chìm đắm trong “lạm phát đình đốn”, “điều duy nhất duy trì tăng trưởng là số giờ làm việc ngày càng tăng, nhờ vào lượng người nhập cư gia tăng”. Vì vậy, cần phải chấp nhận tình trạng “di cư kinh tế” ở những khu vực mà nước Anh sẽ không sớm có công nhân.
CBI muốn kêu gọi chính phủ khắc phục tình trạng sụt giảm số lượng người lao động châu Âu trên đất Anh.
Hy vọng của Chủ tịch CBI nhanh chóng bị Thủ tướng Anh dội cho gáo nước lạnh với lời khẳng định “ưu tiên của đất nước về nhập cư là đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp”.
Sophie Loussouarn, Giáo sư chuyên về văn minh Anh tại Đại học Jules Verne d'Amiens (Pháp), đã có những lý giải rõ hơn. Ông cho rằng Thủ tướng Sunak muốn một chính sách nhập cư có chọn lọc, chỉ thu hút những hồ sơ đủ điều kiện nhất theo mô hình của Mỹ.
Đồng thời, ông cũng muốn đẩy mạnh cuộc chiến chống các mạng lưới buôn người, đặc biệt được quy định trong thỏa thuận Sandhurst mà các Bộ trưởng Nội vụ Pháp và Anh vừa ký ngày 14/11. Ngoài việc cải thiện quan hệ với EU, ông Sunak còn nỗ lực tái lập “Thỏa thuận hữu nghị” với Pháp về vấn đề chống nhập cư bất hợp pháp ở eo biển Manche.
Chính sách nhập cư chọn lọc trình độ cao đã không làm hài lòng giới chủ ở Anh, nơi được cho là đang thiếu rất nhiều lao động thủ công và trí óc để có lấp đầy 1,3 triệu vị trí việc làm còn trống, đặc biệt trong các công việc bán hàng, ăn uống, bảo trì - sửa chữa, vận tải cũng như công nghiệp.
Tình trạng thiếu lao động càng trầm trọng hơn do bất ổn xã hội về tiền lương, với lạm phát lên tới 11%. Đối với giới chủ sử dụng lao động, việc trông chờ vào người nhập cư có thể giúp giảm áp lực về tiền lương và hạn chế các cuộc đình công đang làm tổn hại đến các lĩnh vực như bưu điện, sân bay và thậm chí cả các cửa hàng lớn như Harrods.
Nhưng bất bình của giới chủ doanh nghiệp không chỉ dừng ở vấn đề nhập cư. Cuối tuần trước, bộ máy của Chủ tịch Tony Danker cho biết CBI muốn dỡ bỏ các rào cản thương mại với EU do các biện pháp kiểm soát đang cản trở đáng kể dòng chảy hàng hóa, đặc biệt là ở cảng Dover. Quan điểm này cũng gần với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, người cuối tuần trước đã cho biết ông ủng hộ việc bãi bỏ “phần lớn” các rào cản thương mại với EU.
Những lời kêu gọi nới lỏng thương mại với Brussels diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Anh nêu rõ trong các báo cáo về hậu quả tai hại của Brexit đối với lạm phát, sức sản suất và thương mại của nước này.
Nhưng đối với hồ sơ di cư, Thủ tướng Anh không đổ lỗi cho Brexit và loại trừ mọi sự tái lập với luật pháp châu Âu. Ngược lại, ông tái khẳng định rằng “Brexit có thể và thực sự mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho đất nước” và rằng đổi mới chính là một động lực quan trọng của tăng trưởng.
Các vấn đề thương mại không phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự kinh tế ở thời điểm đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc với những hậu quả xã hội nghiêm trọng.
Giáo sư Sophie Loussouarn cho rằng “người dân Anh đang cực kỳ quan tâm đến chi phí sinh hoạt, năng lượng, cảm giác nghèo hóa và không quan tâm nhiều đến thương mại hay nhập cư.
Do đó, ưu tiên đã nêu của hai nhà lãnh đạo Rishi Sunak và Jeremy Hunt vẫn chỉ dừng ở các nỗ lực giảm lạm phát”./.