Ảnh hưởng của mục tiêu tới cuộc đời con người
Nếu không có mục tiêu cụ thể cho sự nghiệp và cuộc đời, chúng ta sẽ như con thuyền vô định không biết phải đi theo hướng nào. Mục tiêu này có thể thay đổi theo từng giai đoạn.

Khi có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ vạch ra hướng đi một cách rõ ràng hơn. Ảnh minh họa: tVN.
Nhà văn người Mỹ Azalov nhờ sự cần cù và nỗ lực của bản thân nên thời trẻ đã đạt được thành tựu rất rực rỡ. Nhưng sau đó ông đã phạm phải một sai lầm khiến cho cuộc đời sau này hoàn toàn mất hết những huy hoàng từng có được.
Azalov mang theo những thành tựu rực rỡ của mình trở về quê hương và gặp lại Malting. Malting có thể coi là một gã hề trong giới văn học, Azalov và người này vốn chưa bao giờ xuất hiện cùng nhau.
Nhưng để nâng cao giá trị bản thân, Malting đã nhân cơ hội Azalov về quê mà tung tin đồn nhảm về ông một cách trắng trợn. Lẽ ra Azalov nên bỏ qua chuyện này, nhưng ông lại nóng nảy và mất hết lý trí, "bút chiến" với Malting trên mặt báo liên tục trong nhiều năm liền.
Tinh thần và sức lực của con người có hạn, một khi bị phân tán quá nhiều cho một việc nào đó, thì sẽ rất khó dồn tâm trí cho việc khác có ý nghĩa hơn. Nhờ những trận "bút chiến" với Azalov trên mặt báo, Malting đã thu được cả danh và lợi. Còn Azalov ngày càng rời xa quỹ đạo huy hoàng, rực rỡ trước đây, trở thành trò cười cho thiên hạ, cuối cùng chết trong uất ức.
Rõ ràng Azalov là đối thủ xứng tầm nhất của Malting, nhưng Azalov lại sai lầm khi coi Malting là đối thủ của mình. Trong rất nhiều trường hợp, nếu chọn sai đối thủ sẽ dẫn đến xác định sai phương hướng của cả cuộc đời. Nếu chọn đúng đối thủ, chính họ sẽ thúc đẩy bạn không ngừng tiến về phía trước.
Một con chuột thách đấu với sư tử, quyết phân tài cao thấp nhưng sư tử từ chối và nói với chuột rằng: "Bất kể là thắng hay thua, chỉ cần tôi nhận lời thách đấu của anh, thì từ nay về sau anh sẽ luôn lấy chuyện này ra để khoe khoang với các loài vật khác, rằng anh từng chiến đấu với sư tử. Nhưng còn tôi, thì tôi sẽ trở thành trò cười vì đi đánh nhau với một con chuột".
Trong thế giới bao la, mỗi một người, một sự vật hay sự việc đều có đối thủ của mình, có cạnh tranh thì mới có thể tồn tại tốt hơn. Đối thủ chính là một tấm gương sáng để giúp chúng ta soi vào đó mà nhìn nhận, hiểu về bản thân một cách tỉnh táo hơn. Đối thủ cũng là một chiếc đèn trời trong đêm đen, giúp xua tan bóng tối và đồng thời chỉ rõ phương hướng tiến về phía trước cho chúng ta.
Có người bảo rằng con người phải có đối thủ thì mới coi như là có mục tiêu phấn đấu. Họ có thể giúp bạn ôm ấp hoài bão lớn lao, cũng có thể khiến bạn thận trọng trong từng bước tiến trên con đường tương lai. Không có đối thủ, đời người cũng sẽ chẳng có tương lai.
Có nhà kinh tế học từng khẳng định: Thành công lớn nhất của Pepsi là tìm được một đối thủ thật sự, chính là Coca Cola. Đối thủ xứng tầm trên thực tế chính là một mục tiêu phấn đấu. Phương hướng chỉ có ý nghĩa giúp chúng ta đến được đích sau khi đã xác định được mục tiêu.
Trường Đại học Havard của Mỹ từng tiến hành một cuộc điều tra về "Ảnh hưởng của mục tiêu đối với cuộc đời con người". Đối tượng điều tra là những thanh niên có điều kiện sống tương đồng với nhau. Kết quả điều tra cho thấy: Hơn 90% số thanh niên không xác định được mục tiêu của đời mình, 6% có mục tiêu không rõ ràng, chỉ còn lại chưa đến 4% là biết rõ mục tiêu phấn đấu của mình.
Mấy năm sau, số tài sản của 4% những người xác định rõ mục tiêu kia đã bằng 96% tài sản của những người không có mục tiêu hoặc mục tiêu không rõ ràng. Đáng buồn hơn, những người thuộc 96% số không rõ mục tiêu cả đời vất vả, bận rộn chỉ để giúp những người nằm trong 4% biết rõ mục tiêu kia thực hiện mục tiêu của họ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Mục tiêu là tiền đề để xác định phương hướng phấn đấu. Xác định mục tiêu đúng thì phương hướng cũng đúng, phương hướng đúng thì cuộc đời sẽ thuận buồm xuôi gió.
Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh, ngoài 3 đồ đệ còn đem theo một con ngựa. Sau khi lấy kinh trở về, con ngựa theo Đường Tăng cùng về Đại Đường, nó trông thấy con lừa là bạn cũ của mình. Con lừa hỏi: "Hàng ngày tôi cũng đều cố gắng tiến lên như anh, tại sao anh công thành danh toại, trở thành "Đệ nhất mã" của Đại Đường, còn tôi lại không có thành tựu gì?”
Ngựa trả lời một câu ý tứ sâu xa: "Thực ra, con đường chúng ta đi là giống nhau nhưng điểm khác là mục tiêu của tôi là Tây Thiên, tôi luôn hướng về phía Tây. Trên đường đi, tôi không tùy tiện thay đổi phương hướng, cũng không có lý do gì để lùi lại phía sau.
Còn anh lại không may bị người ta bịt mắt, ngày nào cũng đều đi vòng quanh ra sức kéo cối xay, không có ánh sáng, không có mục tiêu, không có phương hướng… Chỉ luôn tiến về phía trước thôi là chưa đủ".
Nỗ lực là cần thiết nhưng nỗ lực rồi chưa chắc đã có kết quả tốt. Nếu chúng ta đi sai đường, thì càng đi sẽ càng cách xa mục tiêu cần đến.
Nguồn Znews: https://znews.vn/anh-huong-cua-muc-tieu-toi-cuoc-doi-con-nguoi-post1550542.html