Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên quê hương Cao Bằng (kỳ cuối)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết - xứng danh 'Bộ đội Cụ Hồ'

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết, xóm Đoàn Kết, thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) niềm tự hào luôn dâng trào mỗi khi nhắc đến thời binh nghiệp của mình. Đồng thời, xen lẫn những nỗi niềm xúc động, mỗi khi nhớ đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết tự hào kể về những kỷ niệm thời chiến.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết tự hào kể về những kỷ niệm thời chiến.

4 lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ, gia nhập đội quân tinh nhuệ

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hồng Định (Quảng Uyên), 16 tuổi chàng trai trẻ Phan Thanh Quyết thoát ly làm công nhân Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp thuộc Ty Lâm nghiệp Cao Bằng nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ cầm súng đánh giặc. Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, quyết liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Trong khí thế sục sôi, cả nước ra trận, lớp lớp thanh niên Cao Bằng nô nức nhập ngũ, xung phong lên đường. Qua 3 lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ và khám tuyển đều trượt vì sức khỏe không đạt, tháng 8/1970 là lần thứ 4 cũng là dấu mốc để người thanh niên Phan Thanh Quyết chính thức được khoác lên mình bộ quân phục của “Bộ đội Cụ Hồ”. Biên chế thuộc Đại đội 91, Tiểu đoàn 35, Sư đoàn 305 Đặc công. Sau thời gian huấn luyện tại Bắc Giang, đầu năm 1971, đơn vị được lệnh hành quân vào tỉnh Quảng Trị.

Đại đội đặc công 91 hoạt động độc lập, có nhiệm vụ tổ chức trinh sát và đánh các căn cứ của quân địch đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế theo lệnh của chỉ huy mặt trận. Nơi đây là chiến trường khốc liệt nhất thời điểm đó, lực lượng địch được bố trí dày đặc, với trang bị vũ khí tối tân, hiện đại. Mục tiêu trinh sát của ta là các sân bay, bến cảng, đồn, bốt, trận địa pháo... của địch. Các chuyến trinh sát căn cứ địch đều phải đi bộ băng rừng vòng qua đất bạn Lào. "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai", những vùng đất thuộc mặt trận B5 ngày đó đều rạng ngời chiến công của quân ta, trong đó có đội quân đặc công anh hùng - mũi nhọn xung kích trong cuộc kháng chiến.

Những trận đánh “nở hoa trong lòng địch”

Ông còn nhớ trận đánh đầu tiên của đơn vị là Sân bay Tà Cơn - một trong những căn cứ quân sự chiến lược của quân đội Mỹ những năm 1966 - 1968 tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), gần biên giới với nước bạn Lào, từng được chúng xem như pháo đài “bất khả chiến bại”. Từ sân bay này, hằng ngày địch liên tục thực hiện các chuyến máy bay do thám khắp tuyến rừng Trường Sơn nhằm chỉ điểm cho nhiều hoạt động đánh phá, ném bom ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyết mạch của miền Bắc tiếp tế cho miền Nam kháng chiến. Vì thế việc phá hủy sân bay Tà Cơn, không cho địch co cụm tại đây là nhiệm vụ cực kỳ cấp bách.

Để lọt vào đồn địch, các chiến sĩ trinh sát phải vượt qua 29 lớp hàng rào mũi lợn, mắt cáo, kẽm gai, bùng nhùng, hào chống tăng và rào phân khu... địch treo các loại mìn và lô cốt, luân phiên đổi gác và đi tuần cùng chó bécgiê. Sau nhiều đêm đột nhập nắm tình hình, ông lcùng đồng đội lập phương án, sơ đồ, phác họa sa bàn để tác chiến. Một đêm cuối tháng 2/1971, cả trung đội chia làm hai mũi đột nhập sân bay. Sau khi ngụy trang, Đại đội trưởng Trần Văn Giỏi và Đội trưởng Phan Thanh Quyết trực tiếp trinh sát trận địa chịu trách nhiệm dẫn quân tập kích vào Tà Cơn. Khi đơn vị tiếp cận được mục tiêu và cài đặt xong mìn hẹn giờ thì đã khoảng 3 giờ sáng, đang vượt ra hàng rào phân khu thì bị lính tuần tra phát hiện. Theo phương án đã tính trước, các chiến sĩ đồng loạt quay ngược lại sân bay thực hiện lối đánh bằng xung lực dùng súng bắn thẳng vào mục tiêu kích nổ toàn bộ số mìn đã gài. Quân ta từ bên trong tổ chức đánh ra, bên ngoài tấn công vào. Sân bay Tà Cơn rung chuyển, địch thi nhau hô hét, chạy loạn giữa chảo lửa khổng lồ. Toàn bộ sân bay bị đánh sập, ta tiêu diệt trên hơn 100 tên giặc lái, 50 máy bay, 8 kho đạn rocket và nhiều kho tài sản quân sự khác. Đôi mắt người lính già ngấn lệ, giọng chợt nghẹn: Ra trận không hẹn ngày về, cả trung đội 17 chiến sĩ xông trận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng 15 người đã hy sinh nằm lại Tà Cơn, chỉ còn tôi bị thương và 1 người đồng đội quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) cùng trở về.

Hồi tưởng về những năm tháng hào hùng, oanh liệt ấy, ông không thể quên trận đánh căn cứ Đồng Lâm thuộc huyện Hiệp Khánh (Thừa Thiên - Huế) mùa hè năm 1972. Thời gian này, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 chủ trương đánh mạnh vào các căn cứ lớn của địch nhằm hạn chế ý đồ chặn đường chi viện của quân đội ta vào chiến trường miền Nam. Với kinh nghiệm dày dạn, Trung đội phó Phan Thanh Quyết cùng 1 đồng chí được giao nhiệm vụ, mất 6 đêm ra vào 7 lần trinh sát mục tiêu. Theo phương án xuất kích, ông dẫn tổ xung kích nhanh chóng vượt qua 6 lớp hàng rào kẽm gai và nhiều vọng gác của địch thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Sau những tiếng nổ long trời, những cột lửa bốc cháy ngùn ngụt sáng rực cả một góc trời đêm, trận tập kích đã phá hủy hoàn toàn 11 kho với khoảng 50 vạn lít xăng và đạn, riêng ông Quyết phá tan 6 kho.

Trận đánh vào trận địa pháo dã chiến của dịch ở điểm cao 28, bắc sông Mỹ Chánh (Quảng Trị) ngày 26/10/1972 cũng là một kỳ tích của đơn vị. Trận địa pháo địch với trên 10 khẩu pháo 155 mm ngày đêm bắn vào trục đường tiếp viện miền Nam, gây tổn thất nặng cho phía ta nên bằng bất cứ giá nào Đại đội 91 phải tiêu diệt gọn quân địch tại đây. Qua trinh sát, nắm rõ trận địa dã chiến với 5 lớp hàng rào, ngoài 1 tiểu đoàn pháo tăng cường còn có bố trí nhiều tuyến bộ binh hỏa lực mạnh để bảo vệ; tuy nhiên, chúng chưa kịp xây dựng các công trình kiên cố để chốt giữ. Chớp thời cơ, đêm 26/10/1972, ông chỉ huy 1 trong 3 mũi giáp công đánh vào lực lượng của địch. Chủ động, bất ngờ, thần tốc, táo bạo khiến địch trở tay không kịp, chỉ trong hơn 20 phút chiến đấu, phân đội trinh sát gồm 13 người đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn pháo gần 200 tên, phá hủy 9 khẩu pháo, 15 xe quân sự, riêng ông phá tan 2 khẩu pháo và diệt 25 tên địch.

Trận đánh vào khu kho Tân Điền cũng là một chiến tích giòn giã trong cuộc đời chiến đấu của cựu chiến binh Phan Thanh Quyết. Sau 6 ngày ăn lương khô, chịu đựng mưa rét để trinh sát, ngày 7/11/1972, ông dẫn một phân đội nhanh chóng vượt qua 7 hàng rào và nhiều bãi mìn đánh thẳng vào kho Tân Điền của địch, phá hủy 10 kho xăng và đạn dược. Riêng ông phá hủy 3 kho đạn chứa gần 10.000 quả đạn pháo. Sau trận đánh, ông được cử ra miền Bắc dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ngày 2/9/1973, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm thời chiến.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Quyết chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm thời chiến.

Vượt qua lằn ranh sinh - tử, từ mưa bom bão đạn trở về, cựu chiến binh Phan Thanh Quyết không kể nhiều về gian khổ, về hiểm nguy cận kề, song luôn tự hào về những năm tháng rực lửa thanh xuân cùng những đồng đội "đầu trần, chân đất” đã cùng nhau vượt qua bao gian khổ, hy sinh để có những trận đánh thắng lợi vang dội. Những đóng góp của Tiểu đoàn đặc công 35 đã góp phần quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong Chiến dịch Mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Ông Quyết bộc bạch: Hai lần bị thương nhưng tôi may mắn, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước. Tôi luôn tâm niệm, phải sống thật mạnh khỏe, có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, sống thay phần của những đồng đội tôi đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Đặc công, Anh hùng Phan Thanh Quyết được cử đi hoạt động tại nhiều đơn vị. Năm 1979, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông trực tiếp chỉ huy 7 đồng chí đánh sập 8 hầm và tiêu diệt hơn 40 tên địch ở đồi Chông Mu (Trùng Khánh). Đến năm 1983, ông là Trưởng ban Đặc công, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 1988 với quân hàm thiếu tá.

Trở về địa phương, ông tiếp tục được tín nhiệm giữ vị trí Bí thư Chi bộ xóm đến Bí thư Đảng ủy Thị trấn Tà Lùng (nhiệm kỳ 2000 - 2005), rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phục Hòa (nay là huyện Quảng Hòa). Sự hy sinh, đóng góp của ông Quyết được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; tôn vinh Chiến sĩ thi đua của binh chủng đặc công và nhiều phần thưởng cao quý. 75 năm tuổi đời, 53 năm tuổi đảng, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang, những đóng góp của ông đã truyền cảm hứng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho con cháu và thế hệ trẻ địa phương.

Thanh Loan

LTS: Thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta sẽ mãi mãi là niềm tự hào, truyền thống quý báu, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những ký ức về một thời máu lửa, đạn bom vẫn mãi mãi là “bài ca không quên”. Những câu chuyện của những Anh hùng LLVTND của tỉnh nói riêng và hàng ngàn, hạng vạn người con đất Việt đã "vào sinh ra tử" giữa lòng địch, những người đã ngã xuống vì lòng yêu nước bất diệt, vì hòa bình dân tộc hôm nay chính chính là mệnh lệnh nhắc nhở thế hệ hôm nay không ngừng học tập, rèn đức luyện tài, cống hiến cho quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh để lại.

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-tren-que-huong-cao-bang-ky-cuoi-3176839.html