Anh Ba Danh

Khi đã quen thân nhau rồi tôi mạnh dạn hỏi thật: 'Anh vốn là một chiến sĩ giải phóng quân rồi thành cán bộ Công an. Điều gì đã đưa anh đến với điện ảnh hơi muộn?'. Ông đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim và kiêm luôn chức Giám đốc Hãng phim Chợ Lớn cũng chân thật trả lời: 'Chắc là vì tôi quá yêu mến cải lương'.

Tôi quen ông Huỳnh Công Danh, tên thân mật là “anh Ba Danh” trong lần được Hội Điện ảnh Việt Nam mời tham dự chuyến đi thực tế sáng tác ở Bạc Liêu. Khi vừa ra tới sảnh sân bay Tân Sơn Nhất thì chuông điện thoại réo rộn rã. Tôi lại gần một người đàn ông tuổi bảy mươi, có vóc dáng đầm đậm. Ông vẫn mải miết để mắt vào điện thoại, hình như ông đang có thêm một cuộc gọi nào đó. Người đàn ông đậm chất Nam Bộ ngẩng đầu lên nhìn tôi gật gật vẻ đã nhận ra đúng người mà ông đã gọi, ông nói: “Tôi ở Chi hội các Hãng phim TP Hồ Chí Minh. Tôi được phân công ra sân bay đón đoàn từ Hà Nội vào rồi dẫn đi Bạc Liêu luôn”. Thái độ chân thành và chu đáo ấy đã khiến tôi thấy cảm tình ngay.

Ông Ba Danh (thứ 2 từ phải sang) cùng các học viên lớp tập huấn quay phim.

Ông Ba Danh (thứ 2 từ phải sang) cùng các học viên lớp tập huấn quay phim.

Sau vài ba ngày đi thực tế cùng nhau tôi được biết, ông Ba Danh tuổi Nhâm Thìn (1952), người quê Bạc Liêu chính gốc. Ông Ba Danh tâm sự: “Năm 17 tuổi tôi trốn nhà ở xã Phước Long, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu để vào cứ. Ban đầu được giao nhiệm vụ làm công tác giao thông liên lạc cho đảng ủy xã và du kích xã. Hai năm sau thì trở thành bộ đội giải phóng anh ạ”.

Ông Ba Danh còn kể rằng: “Bạc Liêu chính là nơi nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác nên bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Bài ca đầy tính tâm sự riêng tư ấy nhanh chóng được người dân miền Tây Nam Bộ mến mộ và truyền nhau. Như một sự nhân duyên, từ bài ca riêng tư ấy đã khởi nguồn ra đời cho sự ra đời của những câu vọng cổ. Và cũng như một sự nhân duyên mà những câu ca vọng cổ hòa quyện với những bài ca trong vở cải lương được người dân Nam Bộ mến mộ. Ngày nay trong các vở cải lương không thể thiếu được những câu vọng cổ mùi mẫn nhưng đầy lòng trắc ẩn.

Chàng trai giao liên trở thành anh bộ đội giải phóng quân, anh cùng đơn vị “tiến một mạch” từ vùng kênh rạch miền Tây về tham gia giải phóng Sài Gòn. Mấy tháng đầu sau giải phóng, anh chiến sĩ trẻ Huỳnh Công Danh được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Văn hóa thông tin phường Xóm Củi, nay là các phường 11, 12, 13 và 14 thuộc quận 8. Anh gắn bó với quận 8 từ đó, nhất là theo yêu cầu nhiệm vụ nên từ tháng 7/1975 anh Huỳnh Công Danh được công tác trong lực lượng Công an kể từ đó cho đến tháng 6/1987. Với vốn đam mê văn hóa nên lần nữa anh Ba Danh chuyển sang lĩnh vực du lịch và văn hóa ở thành phố. Lại như một nhân duyên, anh Ba Danh “bước chân” vào lĩnh vực băng nhạc và phát hành phim.

Tôi nói vui: “Chắc anh vào ngành điện ảnh từ dạo đó”. Ông Ba Danh trả lời thật thà: “Cũng chưa hẳn thế anh ạ. Đến khi nghỉ hưu tôi mới chính thức làm công tác điện ảnh. Bắt đầu cùng gia đình và bạn bè thành lập Công ty TNHH Hãng phim Chợ Lớn với chức vụ Giám đốc từ 2006 đến nay”. Tôi lại hỏi thêm: “Lý do nào khiến ông quyết tâm gắn bó với ngành điện ảnh?”. Ông Ba Danh vẫn thật thà: “Tôi mê chớp phim lắm. Nhất là mê cải lương. Hồi làm ở công ty băng nhạc chúng tôi thường làm những băng cải lương nhưng rồi tôi nhận ra “tình hình nghe nhìn” đã phát triển. Băng ca nhạc cải lương vẫn còn thiếu một cái gì đó vì người mê cải lương mới chỉ dừng ở mức nghe, còn mức nhìn lại thiếu. Vậy là tôi bàn với vợ và bạn bè thành lập Hãng phim Chợ Lớn. Những bộ phim đầu tiên của hãng là về cải lương, đặc biệt là về nghệ sĩ nổi tiếng Vũ Linh và Tài Linh. Phim sản xuất xong được phát hành rộng rãi và được đón nhận, vì ngoài nghe cải lương, bà con còn được thưởng lãm những bối cảnh phim về vùng miền Tây sông nước nên thơ”.

Được hay rằng: Với tiêu chí “Hợp tác để phát triển”, Hãng phim Chợ Lớn mong muốn kết nối các nhà sản xuất, đào tạo, đầu tư trong lĩnh vực Truyền thông, Điện ảnh và Truyền hình nhằm xây dựng nguồn lực mạnh mẽ và hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh và phát hành phim với camera kỹ thuật số, phim trường, phóng thu âm - lồng tiếng hiện đại. Hãng thực hiện sản xuất các album ca cổ, ca nhạc, cải lương, tấu hài, phim phóng sự tài liệu, phim truyền hình nhiều tập. Thêm vào đó, hãng còn tổ chức giới thiệu các tác giả, tác phẩm và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức các hội chợ - triển lãm và quảng cáo thương mại.

Ông Ba Danh (trái) trò chuyện cùng tác giả.

Ông Ba Danh (trái) trò chuyện cùng tác giả.

Tôi đùa: “Tham vọng của anh hơi bị nhiều đây. Chắc là anh bận lắm?”. Ông Ba Danh không trả lời vào câu hỏi ấy của tôi mà lại chuyển chủ đề sang chuyện những tháng năm “làm Công an quận 8”. Đó là quãng thời gian trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều phức tạp. Quận 8 là một địa bàn nằm phía nam nội thành TP Hồ Chí Minh trải dài theo kênh Tàu Hủ và âkênh Đôi, bị chia cắt bởi một hệ thống kênh rạch chằng chịt.

Ông Ba Danh cho biết thêm: “Cư dân của quận 8 đông nhất, người Kinh chiếm khoảng 85,4%, người Hoa cũng có mặt ở quận 8 từ rất sớm với tỷ lệ khoảng hơn 11%; ngoài ra còn có người Chăm, Khmer chiếm khoảng hơn 0,3%. Các tầng lớp dân cư ở quận 8 phần lớn theo đạo Phật (35%) với 52chùa được xây dựng khắp nơi. Một số tôn giáo khác cũng không ít tín đồ như: đạo Thiên Chúa (11,5%) với 12 nhà thờ, Tin Lành (0,4%) có 5 nhà thờ, Cao Đài (0,48%) có 2 thánh thất, Đạo Hồi (0,52%) có 2 thánh đường”.

Về hưu nhưng ông Ba Danh vẫn không nghỉ. Ông tham gia vào các hoạt động ở quận 5, là nơi ông hiện sinh sống, như làm Chủ tịch Hội khuyến học phường 11; làm ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh quận 5. Ông thường xuyên cùng đồng đội trở lại “chiến khu xưa”, thăm các di tích kháng chiến trong Nam ngoài Bắc. Lần gần đây nhất là ông đã thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đặc biệt, với tư cách là Phó ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh nên với lòng đau đáu “hoàn cảnh” kênh rạch chằng chịt, ông Ba Danh đã “đứng ra” vận động các nhà hảo tâm cùng những người con Cà Mau - Bạc Liêu đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh quyên góp kinh phí xây dựng các cây cầu. Cho tới nay cùng với nhân dân địa phương, hội đồng hương đã góp phần xây dựng hàng trăm cây cầu bê tông và sắt, giúp bà con vùng sông nước đi lại thuận tiện.

Chuyện vui vui nên tôi hỏi lại: “Thế bác đến với điện ảnh như thế nào?”. Ông Ba Danh lại chân thật cho hay: “Làm công tác văn hóa địa phương, làm công tác thu âm nên tôi có may mắn được tiếp xúc với điện ảnh. Do vậy khi Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức các lớp viết kịch bản phim và sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh nên tôi đăng ký theo học. Học rồi vỡ ra nhiều điều bổ ích”. Đấy là ông còn chưa nói rằng ông đã tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn.

Nói rồi ông Ba Danh hào hứng kể loạt công việc điện ảnh mà ông cùng Hãng phim Chợ Lớn đã làm: Hãng đã sản xuất phim truyền hình 37 tập “Đồng tiền muôn mặt”. Phim được phát trên sóng HTV và phát hành trong cả nước. Tháng 7/2013 ông tham dự Trại sáng tác do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức với kịch bản phim “Người tình của ông nội” đoạt giải A. Năm 2013 và 2014 hãng đã sản xuất phim tài liệu “Vẻ vang anh bộ đội Cụ Hồ” và “Tư Oai một đời trung dũng”. Ngoài ra, hãng đã sản xuất và phát hành hơn 200 vở cải lương cùng hơn 400 bài ca cổ. Chưa kể khoảng 160 tiểu phẩm hài được phát sóng trên các đài truyền hình các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/anh-ba-danh-i732192/