Ấn tượng những cách làm giàu độc đáo của nông dân Tháp Mười
Nhờ hoạt động hiệu quả, Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, ấp 3 ( xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đang trở thành điểm tựa nâng cao thu nhập cho hơn 50 thành viên, hộ liên kết trên địa bàn, đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.
Chị Nguyễn Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập năm 2018. Ngoài giờ đi làm vườn, đi ruộng, thời gian nhàn rỗi, các thành viên trong gia đình đến Tổ Hợp tác làm hoặc mang sản phẩm về nhà làm, từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Liên kết để mạnh hơn
Trước đây, trên địa bàn xã Đốc Binh Kiều chủ yếu sản xuất lúa, vườn tạp và một số ít vườn cây ăn trái nhưng hiệu quả thấp do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, hàm lượng khoa học - kỹ thuật thấp.
Những năm qua, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, người dân bắt đầu tham gia cải tạo vườn tạp phát triển vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Bên cạnh Tổ hợp tác Tâm Cúc, cũng có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Đốc Binh Kiều, hiện có hơn 200 thành viên, đang thực hiện hàng loạt dịch vụ thiết yếu như cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, tổ chức sản xuất...
Hoạt động của HTX đã và đang góp phần giúp các thành viên, nông dân liên kết thay đổi cách nghĩ cách làm, nâng cao hiệu quả canh tác lên 15-40%.
“Vào HTX, thành viên, nông dân liên kết được giảm giá vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị…) từ 1-5% so với thị trường. Đặc biệt là được hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, đảm bảo giá bán cao”, đại diện HTX cho hay.
Đáng chú ý, nền tảng để hình thành lên các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xã Đốc Binh Kiều thời gian qua là các câu lạc bộ sản xuất, nhóm hội.
Một trong những điển hình hiện tại là Câu lạc bộ làm vườn xã Đốc Binh Kiều, đang có 143 thành viên tham gia sinh hoạt, tổng diện tích cây trồng lên hơn 67 ha với đủ các loại cây ăn trái như: nhãn Ido, bưởi da xanh, sầu riêng, mít...
Xây dựng cánh đồng thông minh
Ông Phạm Văn Phú, người sáng lập Câu lạc bộ làm vườn xã Đốc Binh Kiều, cho hay câu lạc bộ được hình thành với mục tiêu hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái để gia tăng thu nhập.
Qua 6 năm hoạt động, ngoài tổ chức các buổi họp định kỳ hàng tháng nhằm chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã tích cực mời nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái cho các thành viên.
Với vai trò “đầu tàu” của của câu lạc bộ, ông Phú đang phát triển 2 ha nhãn Ido, mỗi năm cho thu nhập 500-700 triệu đồng. Đến nay, ngoài 2ha nhãn Ido, ông Phú còn mua đất và trồng thêm 8 công vườn sầu riêng.
Bên cạnh các mô hình trồng cây ăn trái, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười cũng đẩy mạnh xây dựng các cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Điển hình, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, đang là một trong những HTX tiêu biểu toàn quốc trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình "Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0".
Dự án cánh đồng tiên tiến của HTX Mỹ Đông 2 được triển khai từ năm 2017, với diện tích 170ha (trên tổng diện tích 575ha) được UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư hàng chục tỷ đồng theo hình thức vốn đối ứng, để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Đến nay, toàn bộ diện tích sản xuất trên cánh đồng của HTX được cơ giới hóa đồng bộ từ việc sử dụng phân bón thông minh đến việc cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, tưới ngập, khô xen kẽ bằng năng lượng mặt trời.
Với nhiều biện pháp canh tác hiện đại được triển khai đồng bộ, HTX không chỉ giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất và giảm công lao động, mà còn giúp nâng cao năng suất, với sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 5,3 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so biện pháp canh tác thông thường.
Sẵn sàng với nông nghiệp 4.0
Bên cạnh HTX Mỹ Đông 2, HTX Thắng Lợi cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX Thắng Lợi ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Những thay đổi trong tư duy sản xuất đã đem lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường cho thành viên HTX. Bên cạnh giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, chất lượng lúa hàng hóa được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu phục vụ xuất khẩu, sản xuất sạch giúp HTX bảo vệ giảm thiểu hóa chất độc hại, thích ứng biến đổi khí hậu…”.
Có thể thấy, việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một trong những chương trình trọng tâm được huyện Tháp Mười đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2021 - 2024, diện tích liên kết trong sản xuất lúa của huyện luôn được duy trì và tăng dần qua từng năm.
Để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, việc thực hiện xác lập mã số vùng trồng trên cây lúa và nhân rộng diện tích lúa chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm cũng được huyện Tháp Mười quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 75 vùng trồng được xác lập mã số với diện tích 16.216,8ha; diện tích chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm là 65ha.
Đại diện UBND huyện Tháp Mười cho rằng, thành công lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện chính là sự chuyển biến về tư duy làm nông nghiệp của người nông dân, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 3%.
Thời gian tới, để tạo được nhiều đột phá mới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; rút kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm nhân rộng các mô hình; đẩy mạnh thực hiện mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi cho các ngành hàng tiềm năng của địa phương nhằm hướng đến sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.