Ẩn họa từ những cầu treo xuống cấp

Hai xứ Nghệ nói đến những cầu nào vậy?- Cầu treo Sông Giăng (còn gọi là cầu treo chợ Chùa) bắc qua sông Giăng, nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (H. Thanh Chương, Nghệ An) từng xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc 4 năm trước làm 5 người rơi xuống sông tử vong.

Cầu treo Kẻ Nính bị sập vào tháng 3-2024, rất may không có thiệt hại về người.

Cầu treo Kẻ Nính bị sập vào tháng 3-2024, rất may không có thiệt hại về người.

Hay cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu (xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu, Nghệ An) cũng bất ngờ đổ sập hoàn toàn vào tháng 3-2024, may mắn không có thiệt hại về người. Hay ở huyện Tân Kỳ có 4 cầu treo, gồm: Đò Rô, An Ngãi, Tân Thanh Hồng và Tiên Kỳ cũng rơi vào tình trạng tương tự; còn tại huyện Con Cuông có 6 cây cầu treo bắc qua sông Lam thuộc các xã Bồng Khê, Lạng Khê, Chi Khê hiện cũng đã xuống cấp.

- Chắc những cầu này xây dựng đã lâu?

- Cầu treo sông Giăng là cầu dân sinh kết nối 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện Thanh Chương đưa vào sử dụng từ năm 1987. Sau gần 40 năm sử dụng, nhiều hạng mục của cầu xuống cấp. Hiện, mố cầu cả hai bên xuất hiện nhiều vết nứt, hệ thống dây cáp treo trên cầu đã cũ, lan can được làm bằng thanh sắt nhỏ, chịu lực kém; mặt cầu được làm từ các tấm bê-tông hiện xuất hiện nhiều vết nứt được chắp vá; nhiều ốc vít và cấu kiện thép liên kết mặt cầu với hệ thống cáp treo đã bị gỉ sét, nguy cơ mất an toàn cao. Còn 4 cầu treo ở huyện Tân Kỳ xây dựng cách đây hơn 15 năm cũng đã xuống cấp nặng…

- Chính quyền địa phương và ngành chức năng có phương án giải quyết chưa?

- Theo Sở GTVT tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 70 cầu treo, các cầu được xây dựng từ khá lâu, hiện nhiều cầu xuống cấp. Các huyện cũng gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc bảo trì và sửa chữa cầu. Cầu treo có ưu điểm là kinh phí đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn và đáp ứng ngay nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, cầu treo lại có trọng tải thấp. Các cầu treo chủ yếu là dạng cầu dây võng, với trụ cổng làm bằng thép hoặc bê-tông, dầm thép, mặt cầu bằng thép hoặc gỗ và quang treo bằng thép. Tại các cầu treo này, mỗi khi có mưa bão, huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng nghiêm cấm xe có tải trọng đi qua, cấm người và phương tiện lưu thông.

- NXD thiết nghĩ, việc bảo dưỡng và sửa chữa cầu treo cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Tuy nhiên, công tác duy tu bảo dưỡng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, tuổi thọ và độ an toàn của các cây cầu treo luôn là điều đáng lo lắng trước mỗi mùa mưa bão.

N.X.D

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/an-hoa-tu-nhung-cau-treo-xuong-cap-post301400.html