Ấn Độ trước 'đại dịch' kháng thuốc kháng sinh
Bệnh viện Kasturba nằm ở bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ) có quy mô khá lớn, với 1.000 giường bệnh. Song những ngày này, bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải vì số lượng lớn bệnh nhân nặng nhập viện do kháng thuốc kháng sinh. The Telegraph dẫn báo cáo thường niên về tình trạng kháng thuốc kháng sinh (antimicrobial resistance-AMR) của Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Bệnh viện Kasturba nằm ở bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ) có quy mô khá lớn, với 1.000 giường bệnh. Song những ngày này, bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải vì số lượng lớn bệnh nhân nặng nhập viện do kháng thuốc kháng sinh.
The Telegraph dẫn báo cáo thường niên về tình trạng kháng thuốc kháng sinh (antimicrobial resistance-AMR) của Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) mới đây cảnh báo: Cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sức khỏe do lạm dụng thuốc kháng sinh tràn lan. Bởi, mỗi năm AMR khiến 1,4 triệu người tử vong trên toàn thế giới, trong đó Ấn Độ dẫn đầu với 700 nghìn người.
ICMR đã thực hiện các nghiên cứu tại Bệnh viện Kasturba về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến do E.coli (gây các bệnh về đường tiêu hóa), Klebsiella pneumoniae (gây nhiều bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu, viêm màng não), tụ cầu vàng (gây ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn da, nhiễm trùng máu).
Kết quả cho thấy nhiều loại thuốc kháng sinh gần như bị vô hiệu hóa hoặc chỉ còn dưới 15% hiệu quả điều trị. Đáng lo ngại nhất là vi khuẩn Acinetobacter baumannii gây bệnh viêm phổi, bởi nó có khả năng kháng lại hầu hết các loại kháng sinh.
Dựa trên dữ liệu thu thập được tại 30 bệnh viện công và tư ở Ấn Độ, báo cáo của ICMR cho biết, tình trạng AMR đối với nhóm thuốc kháng sinh phổ rộng Carbapenem - dùng trong điều trị nhiễm trùng nặng - đã tăng 10% chỉ trong một năm qua. Cũng theo báo cáo, năm 2021 chỉ có 43% số ca viêm phổi nặng do vi khuẩn được điều trị hiệu quả nhờ dùng kháng sinh, giảm mạnh so với mức 65% vào năm 2016. Tại Khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện AMRI ở thành phố Kolkata (Ấn Độ), cứ 10 bệnh nhân thì có tới 6 bệnh nhân rơi vào tình trạng AMR.
Tại Bệnh viện Kasturba, nhiều bệnh nhân đến đây không mang theo đơn thuốc, cũng không nhớ tên những loại thuốc đã sử dụng, khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong việc điều tra tiền sử sử dụng thuốc kháng sinh của họ. Bên cạnh đó, một số bác sĩ có thói quen kê kháng sinh một cách bừa bãi. Trong khi đối với các bệnh do virus như cúm, sốt xuất huyết, sốt rét... thì không dùng kháng sinh (trừ trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn), bởi kháng sinh không tiêu diệt được virus.
Trong thời gian đại dịch, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được điều trị bằng kháng sinh, gây ra nhiều tác dụng phụ. Một nghiên cứu của ICMR tiến hành năm 2021 trên 17.534 bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Ấn Độ cho thấy, hơn 1/2 số bệnh nhân đã tử vong do AMR.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy đơn thuốc kháng sinh phổ rộng chiếm tới 75% tổng số đơn thuốc tại các bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Kasturba, Tiến sĩ Kalantri cho hay, khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho bác sĩ, bởi các bệnh viện công đều quá tải, bác sĩ không có đủ thời gian cho tất cả các công đoạn từ gặp gỡ, điều tra tiền sử bệnh tật, tiền sử thuốc men, chẩn đoán, tư vấn, phân loại nguyên nhân gây bệnh cũng như lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Trong khi đó, nhận thức của các bệnh nhân, dù giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị, về AMR đều rất hạn chế. Thậm chí có bệnh nhân còn yêu cầu bác sĩ kê kháng sinh để “chóng khỏi bệnh”. Thuốc kháng sinh mua bán dễ dàng, giá rẻ, trong khi việc chẩn đoán, xét nghiệm lại tốn kém, khiến cả bác sĩ lẫn người bệnh dễ nghiêng về kê đơn hơn là thực hiện xét nghiệm.
Tại các bệnh viện còn hay xảy ra lây nhiễm chéo, điều kiện vệ sinh kém nên bệnh nhân thường được kê kháng sinh với hy vọng tăng hiệu quả điều trị. Ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Tổ chức tư vấn sức khỏe cộng đồng toàn cầu One Health Trust gọi chu trình đó là “một cái vòng luẩn quẩn”.
Nếu không tích cực đầu tư hơn nữa cho ngành y tế, tăng cường các phòng xét nghiệm chẩn đoán, tăng cường đào tạo bác sĩ bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh bệnh viện, siết chặt các quy định liên quan đến thuốc kháng sinh, nâng cao nhận thức cộng đồng, thì AMR sẽ trở thành “đại dịch” tại Ấn Độ trong tương lai gần, đó là lời cảnh báo từ ICMR./.