Ấn Độ công bố giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên của thế giới

Các nhà khoa học Ấn Độ đã ghi dấu ấn lịch sử khi tạo các giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên của thế giới, có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt. Ưu điểm của của các giống lúa mới này là cần ít nước hơn, trưởng thành sớm hơn và mang lại năng suất cao hơn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Shivraj Singh Chauhan (giữa) công bố hai giống lúa chỉnh sửa gen có tên gọi DRR Dhan 100 Kamala và Pusa DST Rice hôm 4-5 tại New Delhi. Ảnh: Tripura Star News

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Shivraj Singh Chauhan (giữa) công bố hai giống lúa chỉnh sửa gen có tên gọi DRR Dhan 100 Kamala và Pusa DST Rice hôm 4-5 tại New Delhi. Ảnh: Tripura Star News

Không phải cây trồng biến đổi gen

Hôm 4-5, tại một sự kiện ở New Delhi, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Shivraj Singh Chauhan công bố hai giống lúa mới, được chỉnh sửa gen (genome-edited), có tên gọi DRR Dhan 100 Kamala và Pusa DST Rice 1. Hai giống lúa mới không chứa DNA ngoại lai, vì vậy không phải là cây trồng biến đổi gen (genetically modified). Do đó, những lo ngại liên quan đến thực phẩm biến đổi gen không áp dụng trong trường hợp này.

Các giống lúa mới đã được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học theo quy định đơn giản hóa của Ấn Độ cho cây trồng chỉnh sửa gen.

Được phát triển bởi các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (IARI) tại New Delhi và Viện Nghiên cứu lúa Ấn Độ tại Hyderabad, những giống lúa này được đánh giá là thông minh và bền bỉ với khí hậu.

Tiến sĩ C.Viswanathan, nhà khoa học dẫn đầu dự án tạo giống lúa mới tại IARI khẳng định các nhà khoa học Ấn Độ “tạo ra lịch sử toàn cầu”.

Theo Bộ trưởng Chauhan, các giống lúa mới cho năng suất cao hơn 25% và cần ít nước hơn. Với thành tựu này, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công giống lúa chỉnh sửa gen. Các giống lúa mới có tiềm năng tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong năng suất và khả thích nghi với khí hậu cũng như tiết kiệm nước.

“Những giống lúa này không chỉ tăng sản lượng mà còn mang lại lợi ích môi trường. Chúng tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính, từ đó giảm áp lực lên môi trường”, Bộ trưởng Chauhan nói và gọi đây là ví dụ điển hình cho việc đạt được cả hai mục tiêu là tăng sản lượng và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Chauhan cũng giới thiệu công thức “trừ 5, cộng 10”, tức giảm 5 triệu hecta diện tích trồng lúa nhưng sản lượng tăng thêm 10 triệu tấn trên cùng diện tích. Điều này sẽ giúp giải phóng đất để trồng cây lấy dầu và lấy đậu.

Khi thế giới đối mặt với nhu cầu lương thực ngày càng tăng, biến đổi khí hậu và các áp lực sinh học, nhu cầu về các đổi mới nông nghiệp nhanh và chính xác trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Vì vậy, Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) đã khởi động sáng kiến áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen cho các giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản và vi sinh vật.

Cho năng suất cao hơn, giúp giảm phát thải

Dự án án chỉnh sửa gen cho lúa ra đời vào năm 2018. Các nhà khoa học đã chọn hai giống lúa phổ biến là Samba Mahsuri và MTU1010 được trồng ở nhiều bang trên khắp Ấn Độ. Samba Mahsuri nổi tiếng với chất lượng hạt cao cấp, nhưng kém bền bỉ với khí hậu, năng suất trung bình 4-5 tấn/hecta, thời gian sinh trưởng dài (145-150 ngày) và dễ bị sâu bệnh. MTU1010 có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn (125-130 ngày) nhưng nhạy cảm với hạn hán và đất mặn.

Thông qua chỉnh sửa gen, các nhà khoa học đã tạo ra hai giống mới: Kamala và Pusa DST Rice 1 có khả năng thích ứng với khí hậu mà vẫn giữ các ưu điểm ban đầu.

Giống lúa Kamala chín sớm hơn từ 15-20 ngày và cho năng suất cao hơn 25 % so với giống ban đầu chưa chỉnh sửa gen. Pusa DST Rice 1 có khả năng chịu mặn và kiềm, cho năng suất cao hơn 30 % trong điều kiện đất mặn.

Theo ICAR, canh tác các giống lúa mới trên diện tịch trên 5 triệu hecta sẽ giúp sản lượng tăng thêm 4,5 triệu tấn lúa, đồng thời giảm 20% phát thải khí nhà kính (tương đương 32.000 tấn). Ngoài ra, do thời gian sinh trưởng ngắn hơn, các giống này tiết kiệm nước, tương đương 7,5 triệu mét khối nước trên diện tích 5 triệu hecta.

Công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là CRISPR-Cas9, được ca ngợi là bước đột phá trong lai tạo chính xác. Công nghệ này cho phép các nhà khoa học thực hiện các thay đổi nhắm mục tiêu trong gen bản địa, tạo ra các đặc tính mới mà không cần đưa DNA ngoại lai vào.

Hai phương pháp chính của công nghệ CRISPR-Cas9 để tạo ra các sinh vật chỉnh sửa gen không khác biệt so với các đột biến tự nhiên hoặc lai tạo truyền thống, do đó được miễn tuân thủ các quy định an toàn sinh học nghiêm ngặt theo Luật Bảo vệ môi trường 1986 của Ấn Độ.

Việc phát triển hai giống lúa mới bằng công nghệ chỉnh sửa gen đã mở đường cho việc áp dụng phương pháp này vào các cây trồng khác, nhằm cải thiện suất cao, chống chịu khí hậu và chất lượng tốt hơn, hướng tới tầm nhìn “Viksit Bharat”, đưa Ấn Độ trở thành nước phát triển vào năm 2047.

“Đây chỉ là khởi đầu. Chính phủ đang tích cực phát triển thêm nhiều hạt giống được chỉnh sửa gen cho các loại cây trồng khác”, Bộ trưởng Chouhan nói.

Trong chương trình ngân sách 2023-2024, chính phủ Ấn Độ đã phân bổ 60 triệu đô la Mỹ cho nghiên cứu chỉnh sửa gen trong nông nghiệp. Hiện tại, ICAR đang triển khai các chương trình nghiên cứu chỉnh sửa gen cho nhiều loại cây trồng, bao gồm cây lấy dầu và đậu.

Theo NDTV, Livemint

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/an-do-cong-bo-giong-lua-chinh-sua-gen-dau-tien-cua-the-gioi/