Ấm lòng người đi, chia sớt nỗi đau người ở lại

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19 để chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch; truyền tải tinh thần biến đau thương thành hành động, khẳng định cam kết của người sống với những người đã mất là sẽ hành động tốt hơn trong thời gian tới.

Nỗi đau người ở lại

Vợ chồng anh Lê Đức Luân (quê ở Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam và chị Lương Thị Thuận (quê ở Quế Lưu, Hiệp Đức, Quảng Nam) cùng vào TP. HCM làm công nhân và thuê nhà trọ ở Liên Khu 56, phường Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TP. HCM. Gia đình anh chị đã có 2 con (bé 11 tuổi, và bé 8 tuổi).

Gia đình chị Thuận khi anh Luân chưa ra đi.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, khu nhà trọ của gia đình anh Luân thành lập một tổ tự quản, lập rào chắn không cho người lạ vào khu vực nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Không may, một ngày anh Luân trực thì bị nhiễm Covid-19. Anh Luân được cơ quan y tế đưa đi cách ly tập trung. Sau đó bệnh chuyển nặng và anh Luân tử vong khi chưa kịp nhìn vợ con lần cuối.

"Nghe tin chồng mất. Em bị sốc. Anh ấy đã bỏ mẹ con em ra đi quá bất ngờ. Bây giờ em chưa biết phải làm thế nào để nuôi 2 con. Ở quê thì quá nghèo, nên bọn em mới vào đây làm thuê làm mướn. Nay, làm sao mà đưa các con quay về quê được. Phải có gắng tìm cơ hội để trụ lại cho các con có tương lai, dù trước mắt chưa biết phải làm sao", chị Thuận nghẹn lời.

Trường hợp anh Luân tử vong để lại người vợ lam lũ với 2 con thơ không phải là hy hữu trong hơn 17 ngàn trường hợp đã tử vong do dịch bệnh Covid-19 tại TP. HCM. Mỗi trường hợp có một hoàn cảnh riêng, nhưng điểm chung là quá đột ngột và rất đau xót.

"Anh Chính là Cảnh sát hình sự. Anh ấy thường đi công tác theo các đoàn tàu thống nhất Bắc Nam. Phòng anh ngay kế ngay phòng tôi; anh Chính bị nhiễm Covid-19 sau chuyến công tác, sa đó lây sang vợ và con. Một ngày, chúng tôi nhận được tin, anh Chính cùng vợ và một đứa con đã tử vong. Hiện chỉ còn một cháu nhỏ", ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn thông tin.

Con anh Luân sẽ nương tựa vào đâu khi anh không còn ?

Hay trường hợp bạn của anh Nguyễn Văn Nam tử vong bất ngờ. "Tôi gọi cho bạn để hỏi thăm tình hình dịch bệnh. Gọi hoài nhưng không thấy ai bốc máy. Hơn một tuần sau, tôi gọi lại thì nghe tiếng vợ bạn khóc nức nở báo tin, anh ấy đã mất một tuần rồi. Tôi rụng rời hết tay chân", anh Nguyễn Văn Nam kể.

Biến thương đau thành hành động

Có thể nói, cuộc chiến chống Covid-19 rất cam go, khốc liệt, một cuộc chiến giành tính mạng cho người dân.

Ngay từ đầu, TP. HCM xác định, "không ai đứng ngoài, không ai bị bỏ lại phía sau". Lực lượng quân đội được giao nhiệm vụ tổ chức thờ cúng trang trọng người đã mất trước khi bàn giao tro cốt về với gia đình. Chi phí hậu sự cho người tử vong do Covid-19 được trích từ ngân sách TP.

Sự chu toàn cho người đã khuất vừa kịp thời vừa ấm áp tình người. Quyết sách này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Tối nay (ngày 19/11), TP. HCM tổ chức Lễ tưởng niệm niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 để tưởng nhớ những người đã không may tử vong, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch, cũng như chia sẻ với đồng bào vừa trải qua một trận đại dịch rất lớn.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 truyền tải tinh thần biến đau thương thành hành động, khẳng định cam kết của người sống với những người đã mất là sẽ hành động tốt hơn trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 diễn biến rất nguy hiểm. Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ, các lực lượng tuyến đầu, lực lượng ở cơ sở, đặc biệt người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng chung tay góp sức cùng vượt qua khó khăn.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/am-long-nguoi-di-chia-sot-noi-dau-nguoi-o-lai-post167559.html