ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI QUA HOẠT ĐỘNG CHĂM LO CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN (*): Trọn vẹn tấm lòng

Trại hè Thanh Đa và Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh là những dấu ấn của tổ chức Công đoàn TP HCM trong công tác chăm lo cho đoàn viên và con đoàn viên

"Trại hè Thanh Đa" dành cho con CNVC-LĐ được LĐLĐ TP HCM tổ chức tại Nhà nghỉ khách sạn Công đoàn (CĐ) Thanh Đa đầu tiên vào mùa hè năm 1979. Qua 42 năm thực hiện, "Trại hè Thanh Đa" đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với các em thiếu nhi cả nước. Qua từng năm, số lượng con CNVC-LĐ mong muốn được tham gia trại hè ngày càng tăng, trong đó có con CNVC-LĐ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ.

Rèn kỹ năng sống cho con CNVC-LĐ

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP, cho biết giai đoạn đầu, hoạt động chủ yếu của trại hè là bồi dưỡng sức khỏe và giáo dục truyền thống cho trại sinh thông qua các chuyến tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, các nhà máy và công trường. Hướng đến mục tiêu chăm lo mọi mặt cho con CNVC-LĐ, nội dung sinh hoạt trại hè hằng năm thường xuyên được LĐLĐ TP bổ sung, điều chỉnh sát sườn với thực tiễn đời sống con em CNVC-LĐ.

Chủ đề sinh hoạt hướng đến việc giáo dục đạo đức ,lối sống, đặc biệt là rèn kỹ năng sống nhằm giúp các em thêm tự tin; đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết, rèn luyện ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống… "Các bài học được lồng ghép với chủ đề sinh hoạt hè hằng năm của TP và gắn với các sự kiện lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của đất nước và thế giới. Từ việc tích cực tham gia sinh hoạt tại trại hè, các em được mở rộng thêm kiến thức văn hóa, xã hội để khi trở về nhà thực sự chăm ngoan, hiếu thảo hơn" - bà Liên cho biết thêm.

Con CNVC-LĐ TP HCM tham gia một trò chơi tại Trại hè Thanh Đa Ảnh: HỒNG ĐÀO

Con CNVC-LĐ TP HCM tham gia một trò chơi tại Trại hè Thanh Đa Ảnh: HỒNG ĐÀO

Trước năm 1995, tổ chức CĐ trực tiếp quản lý 5% quỹ BHXH để chi trả 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nguồn kinh phí kết dư sau khi chi trả các chế độ trên được CĐ TP sử dụng vào việc tổ chức trại hè, với mức chi khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/năm. Khi chính sách quản lý Quỹ BHXH có thay đổi, để tiếp tục duy trì sân chơi bổ ích cho con CNVC-LĐ, LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp CĐ tích cực vận động chính quyền, người sử dụng lao động và các bậc phụ huynh cùng đóng góp hỗ trợ.

Đến nay, mặc dù không còn bao cấp về mặt kinh phí, mức phí tham dự trại hè luôn được duy trì ở mức thấp. Hằng năm, các cấp CĐ TP đều có chính sách hỗ trợ theo từng đối tượng, riêng LĐLĐ TP và Nhà nghỉ khách sạn CĐ Thanh Đa hỗ trợ từ 200.000 - 300.000 đồng/trường hợp, đối tượng ưu tiên là con công nhân (CN) trực tiếp sản xuất đang làm việc tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở các huyện ngoại thành và các KCX-KCN, con đoàn viên nghiệp đoàn, CN vệ sinh.

Trại hè Thanh Đa năm 2020 tập trung chăm lo cho con CNVC-LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, con của y - bác sĩ, chiến sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch. Qua 42 năm tổ chức, Trại hè Thanh Đa TP đã đón nhận 127.000 con CNVC-LĐ tham gia sinh hoạt. Từ trại hè, nhiều trại sinh đã trưởng thành, nhiều cá nhân đã đảm nhận các vị trí quan trọng của TP.

Là một trong số hàng trăm ngàn trại sinh tham dự Trại hè Thanh Đa, em Bùi Quốc Nguyên (Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình) rất tự hào. "Những kiến thức và kỹ năng được học từ trại hè giúp em trưởng thành hơn trong suy nghĩ lẫn hành động. Bạn bè cùng lớp em cũng rất ngạc nhiên với sự thay đổi của em và mong muốn được một lần tham dự trại hè" - Quốc Nguyên khoe.

Ngăn dòng chảy bỏ học

Những năm 1990, tình hình kinh tế chuyển biến tích cực, song đời sống CNVC-LĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đã xuất hiện tình trạng con CNVC-LĐ phải nghỉ học sớm và tìm việc làm phụ giúp gia đình. Trước tình hình đó, năm 1994, LĐLĐ TP đã xây dựng Quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh. Từ quỹ học bổng này, nhiều con CNVC-LĐ đã không phải bỏ học, nhiều em đã vào được đại học, có việc làm.

Gặp lại chúng tôi mới đây, ông Nông Thanh Ban - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Bến Thành, quận 1, TP HCM - không khỏi tự hào về các con của mình, đặc biệt là con trai út Nông Thanh Tuấn. Tuấn đã được Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM) tuyển sang Nhật Bản làm việc. Ông Ban chạy xe ôm, còn vợ là giáo viên mầm non nên cuộc sống gia đình gồm 5 miệng ăn hết sức chật vật.

Chia sẻ khó khăn với gia đình ông, từ năm 2006, LĐLĐ quận 1 đã hỗ trợ học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho em Tuấn. Số tiền khi ấy tuy không lớn nhưng đã giúp Tuấn trang trải chi phí đầu năm học, san sẻ bớt gánh nặng cho gia đình. Đáp lại sự kỳ vọng của mọi người, Tuấn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi ở các cấp học và thi đậu vào Trường ĐH Nông Lâm TP.

"Chứng kiến sự trưởng thành của con, tôi rất mãn nguyện, do vậy, tôi luôn dốc lòng vận động anh em đoàn viên đóng góp xây dựng học bổng Nguyễn Đức Cảnh để tiếp sức cho nhiều cháu nữa được học hành đến nơi đến chốn" - ông Ban tâm sự.

Năm 2020, Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh tiếp tục được mở rộng đối tượng hỗ trợ là đoàn viên có tham gia học tập, nâng cao trình độ. Qua đó, khích lệ, tiếp sức đoàn viên đến trường, hun đúc tinh thần tự học tự rèn của người lao động. Anh Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1982), nhân viên bảo vệ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8, là một trong số hàng chục gương CN vượt khó được nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh.

Anh Tuấn kể việc học của anh đã 2 lần dang dở. Lần đầu, anh quyết định nghỉ học khi mới tốt nghiệp cấp II để đi làm phụ giúp gia đình. Đến năm 2004, anh vào làm bảo vệ tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8, sau đó được công ty tạo điều kiện thuận lợi, anh tiếp tục đi học phổ thông nhưng không thể kéo dài do gánh nặng cuộc sống. Năm 2018, anh quyết định đi học trở lại tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 8.

Với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng nhưng vừa phải lo tiền trọ, sinh hoạt phí vừa gửi tiền học cho con và hỗ trợ chi phí chăm sóc cha già tại quê nhà Bến Tre nên học phí là một khoản tiền lớn với anh. Dù khá khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã nhận được kết quả xứng đáng khi đạt học sinh giỏi năm lớp 12. Anh nói: "Tôi chưa từng nghĩ đến việc mình đi học lại nhận được sự khích lệ lớn như vậy. Hy vọng rằng chương trình học bổng sẽ tiếp tục tiếp sức cho nhiều anh chị em CN khác mong muốn được nâng cao trình độ".

Qua 26 năm thực hiện, các cấp CĐ TP đã trao hơn 676.000 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh với tổng số tiền gần 232 tỉ đồng.

“Hướng đến mục tiêu chăm lo tốt nhất đời sống vật chất và tinh thần cho con đoàn viên khó khăn, nội dung hoạt động của Trại hè Thanh Đa cũng như Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh luôn được LĐLĐ TP điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên - lao động. Tinh thần đồng hành của người sử dụng lao động cũng góp phần vào việc nâng chất hoạt động chăm lo của tổ chức CĐ TP” - ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, khẳng định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-9

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/am-ap-tinh-nguoi-qua-hoat-dong-cham-lo-cua-to-chuc-cong-doan-tron-ven-tam-long-2020091620500294.htm