'Ám ảnh tự do' của người họa sĩ
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến dắt người xem vào thế giới nội tâm của chính mình, phản ánh góc nhìn thực tại qua các tác phẩm thời sự, gai góc và có phần nhạy cảm.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến bắt đầu theo đuổi hội họa từ năm 1994. Suốt 30 năm qua, anh đã có hơn chục triển lãm riêng và chung ở trong lẫn ngoài nước. Họa sĩ gây ấn tượng nhờ theo đuổi thể loại, mảng đề tài gai góc, thời sự và không kém phần nhạy cảm.
Day by day (Ngày ngày – PV) là triển lãm mới nhất của Nguyễn Văn Tiến, vừa được khai mạc tại TPHCM. Sự kiện trưng bày một số tác phẩm tiêu biểu qua từng giai đoạn của hành trình 30 năm lao động nghệ thuật của họa sĩ.
Một số tác phẩm từng ra mắt trong sự kiện nghệ thuật Xà bần II - Sự ra đời của thần Vệ Nữ năm 2010. Ngoài ra, vài tranh đã được giới thiệu trong triển lãm Lockdown, thể hiện những vấn đề nóng bỏng: tình cảnh và nỗi đau của người dân thời Covid-19...
Còn lại là tác phẩm anh mới sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây. Những bức tranh này hầu hết đều pha trộn giữa phong cách trừu tượng trữ tình - lấp lánh ánh sáng lúc u tối lúc rực lửa với phong cách “New-Dada” (trào lưu thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống hàng ngày - PV) kết dính nhiều vật sẵn có khác nhau.
Nguyễn Văn Tiến thể hiện các cảm nghiệm hiện sinh của mình về các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa cái chung và cái riêng, giữa truyền thống và hiện tại, giữa các giá trị tinh hoa và rác rưởi... Nó mang lại cho người xem nhiều bất ngờ thú vị bởi sự đan xen giữa tinh thần nghiêm nghị với tính cách giễu nhại có phần chua cay.
Giới chuyên gia nhận định không gian nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến cũng là không gian xã hội; chất liệu nghệ thuật anh theo đuổi bao giờ cũng là chính bản thân mình. Và hình thức nghệ thuật của nam họa sĩ bao giờ cũng là sự va đập giữa cá nhân anh với một sức mạnh tượng trưng nào đó… Nguyễn Văn Tiến không ngần ngại va chạm, kể cả những vấn đề nhiều người phải né tránh vì sự “nhạy cảm” của nó.
Theo dõi hành trình nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến ngay từ lúc khởi đầu, nhà phê bình nghệ thuật Nguyên Hưng chia sẻ: “Ám ảnh lớn nhất trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Văn Tiến, biểu hiện từ triển lãm đầu tiên ở Văn Miếu (cùng với Trần Anh Quân) đến giờ, vẫn là ám ảnh về tự do của người nghệ sĩ, của con người nói chung. Với ám ảnh này, nghệ thuật của Tiến là sự hòa trộn hay dao động giữa các cảm xúc trữ tình thế sự với siêu hình”.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết đây là một triển lãm “nhìn lại” với tinh thần “nghĩ lại” của mình. Ngoài trưng bày tranh, BTC còn tổ chức một loạt buổi gặp gỡ mạn đàm và nói chuyện về nghệ thuật đương đại.
Triển lãm kéo dài đến đến 28/9 tại J Art Space, quận 2, Thành phố Thủ Đức, TPHCM.