Ai về vùng cao biên giới Bình Liêu…

Vùng cao Bình Liêu thể hiện rõ nét đặc thù của một tuyến du lịch vùng biên giới với nhiều nét hoang sơ, có sự khác lạ, độc đáo, cũng có những thách thức về độ bền bỉ, về 'chất' của dân du lịch ưa khám phá với đôi phần mạo hiểm…

Điều này được chúng tôi cảm nhận rõ khi tham gia chuyến du lịch do Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch dịp cuối năm của tỉnh.

Sắc màu văn hóa đa dạng

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Vườn hoa Cao Sơn (xã Đồng Văn), một điểm đến mới hút khách của Bình Liêu.

Chúng tôi đến với Bình Liêu đúng vào thời điểm Bình Liêu triển khai rất nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch Bình Liêu năm 2020. Trong đó, một trong những điểm nhấn là Hội Mùa vàng Bình Liêu, gắn với lịch sản xuất vụ mùa, với nhiều hoạt động phong phú, diễn ra ở nhiều thôn, bản trên các xã của huyện từ ngày 6-8/11.

Có thể kể đến như: Giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ; trải nghiệm các môn thể thao, trò chơi dân gian (đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy) trên ruộng bậc thang; hướng dẫn du khách trải nghiệm ẩm thực phở xào Đồng Văn, lễ “Mừng cơm mới”; hoạt động gặt lúa trải nghiệm trên ruộng bậc thang; tái hiện nghi lễ đám cưới dân tộc Sán Chỉ; chương trình dù lượn “bay trên Mùa vàng”; đêm giao lưu hát Soóng cọ...

Nối tiếp đó, theo kế hoạch, Bình Liêu còn tổ chức một chuỗi sự kiện kéo dài cho đến hết năm, với điểm nhấn là Hội hoa Sở Bình Liêu và hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu 25/12 (1950-2020). Tất cả là nhằm giới thiệu tới du khách một vùng đất Bình Liêu tươi đẹp, con người thân thiện và giàu bản sắc văn hóa riêng.

Cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ảnh: Tái hiện các nét văn hóa truyền thống trong chương trình văn nghệ chào mừng Tuần Văn hóa – Du lịch Bình Liêu năm 2020.

Có thể nói, Bình Liêu là một điểm đến mang trong mình đầy đủ giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây. Nói về điều này, trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2020, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện, đã nhấn mạnh: Bình Liêu là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%, cao nhất trong toàn tỉnh. Thời gian qua, huyện đã phát huy thế mạnh khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với ruộng bậc thang uốn lượn nên thơ, những rừng hồi, quế, sở xanh mướt, đường biên giới hùng vĩ...

Đặc biệt, huyện cũng bảo tồn và phát huy tốt truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Đồng bào luôn có ý thức, lòng tự tôn dân tộc thể hiện rõ nét trong việc giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc… từ bao đời nay, như: Hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, hát Pả Dung của dân tộc Dao, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà của người Tày, Ngày hội kiêng gió của người Dao, cho đến các giá trị ẩm thực, văn hóa độc đáo khác…

Mùa vàng trên ruộng bậc thang ở Bình Liêu được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Công Thành

Lâu nay, mùa vàng trên ruộng bậc thang ở Bình Liêu đã khá nổi tiếng khi đi vào các sáng tác, đặc biệt là nhiếp ảnh, nhưng năm nay ruộng bậc thang tại xã Lục Hồn đã được vinh danh là Di tích danh thắng cấp tỉnh. Với việc tổ chức Hội Mùa vàng lần đầu tiên, Bình Liêu đã giới thiệu tới du khách những điểm đến hấp dẫn trải nghiệm vẻ đẹp của ruộng bậc thang mùa lúa chín tại một số xã trên địa bàn, như Lục Hồn, Đồng Văn, Húc Động…

Khai thác vẻ đẹp này, hơn thế còn là cơ hội để du khách tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của ruộng bậc thang và mùa lúa chín ở vùng cao này, sản phẩm kết tinh sự cần cù, sáng tạo của các dân tộc nơi đây qua hàng nghìn năm lịch sử. Đi kèm với mùa lúa chín, mùa thu hoạch là các sinh hoạt văn hóa của đồng bào, trong đó có lễ mừng cơm mới - tôn vinh thành quả lao động và thể hiện mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Có thể nói, các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên được bồi đắp trong quá trình phát triển của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu chính là sức hút của mảnh đất này, cũng là tài sản vô giá để địa phương có thể khai thác, góp phần phục vụ cho sự phát triển du lịch trên địa bàn.

Khúc ca mùa đông

Đến Bình Liêu là một cung đường khá xa nếu tính từ trung tâm du lịch của tỉnh là TP Hạ Long. Tuy nhiên, nơi đây vẫn rất hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ suốt bốn mùa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc. Với dân du lịch, những cái tên như thác Khe Vằn, Khe Tiền, Ngàn Chi, dãy núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi đã trở nên quen thuộc khi nhắc đến Bình Liêu.

Du khách tham quan thác Khe Vằn, xã Húc Động - điểm đến quen thuộc của du khách khi du lịch Bình Liêu.

Mỗi mùa, dải đất vùng cao biên giới này lại có một vẻ đẹp riêng nhưng vào dịp cuối thu, đầu đông, Bình Liêu đặc biệt trở nên thơ mộng bởi bạt ngàn những bông lau, những rừng hoa sở trắng muốt nở rộ khắp rừng đồi…

Và đây cũng là lúc lúa chín vàng mênh mang khắp các sườn đồi trên các thửa ruộng bậc thang của Bình Liêu. Ruộng bậc thang nơi đây khá đặc biệt, không nằm riêng biệt mà xen với các thửa ruộng vẫn là màu xanh của rừng núi và lô nhô những mái nhà của đồng bào, những con suối uốn lượn nên thơ...

Trung tuần tháng 12 tới đây, khi hoa sở nở trắng núi rừng vùng cao, Bình Liêu lại vẫy gọi bước chân du khách bốn phương đến với Hội Hoa sở Bình Liêu. Không chỉ đến với rừng sở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm – trung tâm của Hội Hoa sở, du khách hãy đừng bỏ qua cơ hội khám phá cửa khẩu Hoành Mô, những cung đường biên giới, những cột mốc thân yêu của Tổ quốc trên mảnh đất này, khám phá những thác nước đẹp, ngắm và check in thỏa thích tại vườn hoa Cao Sơn, thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng của đồng bào…

Vào dịp cuối thu, đầu đông, Bình Liêu đặc biệt trở nên thơ mộng bởi bạt ngàn những đồi cỏ lau trắng xóa. Ảnh: Đàm Tuấn

Qua thực tế trải nghiệm của chúng tôi cho thấy, du khách cần có sự chuẩn bị tốt cho chuyến du lịch khi đến với Bình Liêu. Sự sẵn sàng về thể lực là rất cần thiết để du khách có thể chinh phục các tuyến, điểm du lịch của Bình Liêu vốn đều nằm khá xa khu vực trung tâm, trong đó không ít điểm, nhất là các cột mốc biên giới, thường nằm ở khu vực núi cao, xa xôi, tương đối khó đi.

Việc du ngoạn cũng không nên tham đi quá nhiều điểm mà nên dành thời gian để khám phá được nhiều nhất ở mỗi hành trình, không chỉ đảm bảo về thể lực cho du khách mà còn giúp tăng cơ hội trải nghiệm điểm đến tốt hơn.

Bên cạnh đó, sự tìm hiểu trước cũng rất cần thiết. Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn hiện đã phát triển hơn trước, nhưng vẫn chưa nhiều, các homestay ở Bình Liêu khá độc đáo, có cảnh quan đẹp, tuy nhiên còn giới hạn về số phòng nghỉ, các đoàn có nhu cầu cần đặt trước mới có chỗ ở.

Vườn hoa Cao Sơn (xã Đồng Văn) gần đây là một điểm đến mới tương đối hút khách, diện tích không quá lớn nhưng hoa khá đẹp và có nhiều thiết kế thú vị phục vụ nhu cầu check in của du khách. Con đường lên vườn hoa Cao Sơn nằm bên sườn núi khá nhỏ hẹp, tương đối khó đi, huyện đã có chủ trương và đang tiến hành mở rộng lòng đường, tuy nhiên hiện nay vẫn là một thử thách với các tay lái, các đoàn nên lựa chọn dòng xe 24 chỗ trở xuống là phù hợp hơn cả…

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202011/ai-ve-vung-cao-bien-gioi-binh-lieu-2510114/