AI có thể chữa lành tâm trí con người

Các hệ thống AI (lý tưởng nhất) hoạt động từ điểm xuất phát trung lập, không có xu hướng định sẵn hoặc thành kiến vô thức của con người.

AI có thể là một công cụ giải tỏa cảm xúc tiêu cực cho con người. Ảnh: Getty Images

AI có thể là một công cụ giải tỏa cảm xúc tiêu cực cho con người. Ảnh: Getty Images

Cuộc sống chuyển động nhanh và nhiều người trong chúng ta không nhận được hỗ trợ về mặt tinh thần, sự đồng cảm và công nhận mà chúng ta cần từ những người xung quanh. Vậy trí tuệ nhân tạo (AI) có làm được điều đó không? Một nghiên cứu mới tại Trường Kinh doanh USC Marshall (Mỹ) đã trả lời câu hỏi này.

Kết quả đáng ngạc nhiên

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người nhận được tin nhắn do AI tạo ra thực sự cảm thấy được lắng nghe nhiều hơn những người nhận được tin nhắn do con người viết! AI cũng xuất sắc trong việc phát hiện cảm xúc của con người. Điều này có vẻ phản trực giác, nhưng một số lý do chính có thể giải thích cho kết quả đáng ngạc nhiên này.

Theo đó, hệ thống AI được thiết kế đặc biệt để phân tích ngôn ngữ và xác định các tín hiệu cảm xúc. Nó không bị phân tâm bởi những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình hoặc vô số điều khác đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như con người. Điều này cho phép AI dành nhiều sức mạnh xử lý hơn để hiểu được thông điệp cảm xúc được truyền tải.

Các hệ thống AI (lý tưởng nhất) hoạt động từ điểm xuất phát trung lập, không có xu hướng định sẵn hoặc thành kiến vô thức của con người. Việc tiếp cận từng thông điệp từ một góc nhìn mới mẻ sẽ giúp nó nhận ra những cảm xúc khi chúng được thể hiện.

Ngoài ra, các mô hình AI được đào tạo trên cơ sở dữ liệu khổng lồ về văn bản và sự trao đổi cảm xúc của con người. Từ đó, mang lại cho chúng một thư viện phong phú về các mẫu hình và tín hiệu ngôn ngữ để rút ra, cho phép chúng phát hiện những sắc thái tinh tế trong giao tiếp cảm xúc mà một người bình thường có thể bỏ lỡ.

Cung cấp loại hỗ trợ tinh thần phù hợp

AI có thể có một lợi thế đáng ngạc nhiên so với con người. Máy tính được lập trình để phân tích và phân loại, không có mọi phiền nhiễu ảnh hưởng tới bộ não như con người chúng ta.

Tác giả chính của nghiên cứu Yidan Yin giải thích: “Trong bối cảnh tình trạng cô đơn ngày càng gia tăng, phần lớn động lực của chúng tôi là xem liệu AI có thực sự giúp mọi người cảm thấy được lắng nghe hay không”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các tin nhắn do AI tạo ra tập trung tốt hơn vào việc ghi nhận và xác nhận trạng thái cảm xúc của người nhận, đồng thời mang đến cho họ cảm giác được lắng nghe và nhìn thấy, thúc đẩy hy vọng và giảm bớt đau khổ.

Hơn nữa, AI có thể nhận ra tốt hơn khi cần hỗ trợ tinh thần đơn giản, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp. Khả năng nhận biết loại phản ứng phù hợp này có thể góp phần tạo nên tác động tích cực của nó.

Việc AI thiếu kinh nghiệm cá nhân và những thành kiến về cảm xúc vô hình trung cho phép nó phản ánh cảm xúc một cách thuần túy mà không xen vào ý kiến hoặc phán đoán của chính mình. Cách tiếp cận không phán xét này tạo ra một không gian an toàn để người đó cảm thấy được hoàn toàn thấu hiểu.

Con người thường cố gắng “khắc phục” vấn đề của ai đó bằng những lời khuyên khi đối tượng chủ yếu chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần. AI không có động lực này nên nó có thể giúp con người cảm thấy thực sự được lắng nghe và tự do xử lý cảm xúc của mình mà không bị áp lực phải tìm ra giải pháp.

 AI biết lắng nghe cảm xúc của con người. Ảnh: Earth

AI biết lắng nghe cảm xúc của con người. Ảnh: Earth

Mặt trái từ hỗ trợ tinh thần của AI

Tuy nhiên, ở đây vẫn có một chữ “nhưng” lớn. Đó là khi những người tham gia phát hiện ra thông điệp đồng cảm họ nhận được đến từ AI, họ thực sự cảm thấy ít được lắng nghe hơn.

Hiện tượng trên tương tự như hiệu ứng “Thung lũng kỳ lạ” trong chế tạo robot, nơi con người cảm thấy khó chịu khi có thứ gì đó gần giống con người nhưng không hoàn toàn giống con người.

Vậy nên, nghiên cứu này không có nghĩa là AI sẽ thay thế những người bạn thân nhất để trở thành bờ vai tốt nhất để chúng ta tựa vào. Đúng hơn, nó chỉ ra tiềm năng hợp tác hấp dẫn.

Nhà nghiên cứu Yidan Yin lưu ý con người có thể học hỏi từ AI, như cách AI phân tích cảm xúc và điều chỉnh ngôn ngữ của nó. Nhiều khi người thân của chúng ta phàn nàn về điều gì đó, chúng ta muốn đưa ra xác nhận đó, nhưng không biết cách thực hiện một cách hiệu quả.

Hơn nữa, các giải pháp AI có thể khiến việc hỗ trợ tinh thần dễ tiếp cận và chi phí phải chăng, đặc biệt đối với người thiếu phương tiện hoặc nguồn lực xã hội khác.

Nghiên cứu này chứng minh rằng AI có khả năng hiểu được cảm xúc của chúng ta và đưa ra những phản hồi xác thực theo những cách có thể cực kỳ có lợi, đồng thời mở ra khả năng hỗ trợ sức khỏe tâm thần dễ tiếp cận, các công cụ để giao tiếp tốt hơn và thậm chí có thể giúp chúng ta tự hiểu bản thân sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, đối với hiệu ứng “Thung lũng kỳ lạ”, chúng ta cần vượt qua rào cản tâm lý về việc những thông điệp do AI tạo ra mà không phải người.

Với sự tiến bộ tất yếu của AI, con người có dễ chấp nhận nó không? Liệu hiệu ứng “Thung lũng kỳ lạ AI” có mờ dần khi chúng ta quen với những chiếc máy tính thực sự hiểu được cảm giác của nhân loại không? Đây là những câu hỏi then chốt cho tương lai của sự tương tác giữa con người và AI.

Có thể với sự tiếp xúc và trải nghiệm tích cực, sự khó chịu của chúng ta với AI sẽ giảm bớt, dần dần có thể coi nó là một công cụ độc đáo với những thế mạnh riêng, mở ra khả năng áp dụng rộng rãi AI trong những vai trò đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cảm xúc.

Theo đồng tác giả Nan Jia, mặc dù AI được xác định thể hiện tiềm năng cao hơn với người cung cấp hỗ trợ mặt cảm xúc chưa được đào tạo, nhưng ý tưởng về một nhà trị liệu AI có thể vẫn còn xa vời.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chứng minh một điều quan trọng: AI có khả năng hiểu và phản ứng với cảm xúc của con người theo những cách chúng ta vẫn đang tìm kiếm.

Thung lũng kỳ lạ - Uncanny Valley - là thuật ngữ mô tả cảm giác khó chịu, thậm chí ghê sợ mà nhiều người gặp phải khi đối mặt với android (robot có vẻ ngoài giống con người) hay những thứ “không phải người nhưng lại rất giống người” khác.

Thuật ngữ này được Masahiro Mori đưa ra vào năm 1970, khi ông chế tạo một người máy theo khuôn mẫu của chính mình. Ông nhận ra rằng, robot có một số đặc điểm giống con người sẽ khiến người ta thích thú; nhưng khi nó trở nên rất giống người (có da, tóc và mắt giả, cảm xúc gương mặt) thì lại gây cảm giác kinh sợ.

Theo Earth

Cẩm Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ai-co-the-chua-lanh-tam-tri-con-nguoi-post684491.html