Agribank thúc đẩy tín dụng cho nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long
Dư nợ của khu vực ĐBSCL đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,5 % so với cuối năm trước, trong đó dư nợ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank.
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm, thủy sản, Agribank đã chủ động đăng ký triển khai, ban hành chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực này với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank.
Sau thời gian triển khai có hiệu quả, Agribank đã nâng quy mô chương trình lên đến 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank dành hơn 200.000 tỷ đồng để triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất vay vốn với mục đích kinh doanh, chương trình ưu đãi đối với các sản phẩm OCOP… với mức lãi suất ưu đãi từ 1% đến 2% so với sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank.
Agribank đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, triển khai các thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cho vay tín dụng nông nghiệp. Agribank đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa).
Hiện nay, Agribank đã có văn bản hướng dẫn nội bộ về cho vay liên kết theo chương trình này để thống nhất triển khai trên toàn hệ thống. Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất riêng đối với từng nhóm khách hàng để thực hiện Đề án.
Ngoài ra, Agribank luôn phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố việc tổ chức cho vay qua Tổ vay vốn, đồng thời mở rộng quy mô tín dụng với hộ gia đình và cá nhân vay vốn song song với phát triển các sản phẩm dịch vụ khác; tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tập huấn cho các Tổ trưởng tổ vay vốn những vấn đề thay đổi liên quan…
Agribank đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Agribank đồng thời triển khai chính sách cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản. Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới.