9X miền Tây vô địch boxing thế giới: Vì nghèo đấu võ, vì nghèo muốn buông
Tuổi thơ nghèo khó từng khiến võ sĩ Thu Nhi nghĩ đến việc lên thượng đài để kiếm tiền đổi đời. Còn bây giờ, Nhi lại khát khao khẳng định tinh thần dân tộc trên võ đài thế giới.
Tuổi thơ bán vé số, rửa bát thuê
Cái tên Thu Nhi vừa làm nức lòng người hâm mộ trong nước. Bạn có thể kể một chút về mình, nhất là thời thơ ấu?
Võ sĩ Thu Nhi: Tuổi thơ của tôi không mấy vui vẻ. Tôi không sống chung với ba mẹ từ khi còn rất nhỏ.
Tôi được bà ngoại đón về ở trong căn nhà trọ ọp ẹp tại Quận 11, TP.HCM. Tuổi thơ tôi gắn liền với bà và bà cũng là người tôi thương yêu nhất.
Lúc đó, ngoại tôi có tuổi rồi nên tôi phải bươn chải, giúp bà kiếm tiền để mưu sinh. Tôi nhớ, khoảng 7 tuổi, tôi đi bán vé số dạo để kiếm sống. Lớn hơn một chút, tôi đi học và tiếp tục làm thêm để có tiền phụ giúp ngoại.
Buổi sáng, tôi đi học thì đến chiều, tôi đi làm thêm. Tôi làm đủ việc như rửa chén thuê, phụ quán ăn… Việc nào kiếm ra tiền mà không vi phạm pháp luật thì tôi đều làm.
Có những ngày, tôi phải đi bộ cả chục cây số để hoàn thành công việc, mang về những đồng hoa hồng ít ỏi. Lúc đó và cho đến bây giờ, tôi luôn nghĩ rằng phải cố gắng kiếm tiền để có thể sống, phụ giúp gia đình.
Tuổi thơ vất vả đã ảnh hưởng đến cuộc sống, tính cách của bạn như thế nào?
Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn giấu nỗi buồn cho riêng mình. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc tôi sống xa gia đình từ nhỏ và cảm giác mặc cảm mình nghèo khó. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy cuộc đời của mình buồn nhiều hơn vui. Tôi thấy mình là người cô độc. Đến khi bà ngoại, người tôi yêu quý nhất ra đi, tôi càng thấy mình cô đơn.
Bạn đã đối mặt với nỗi cô độc ấy ra sao?
Tôi lấy công việc để khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến công việc, cố gắng làm việc với mơ ước kiếm được nhiều tiền để lo cho bản thân, gia đình.
Khi luyện tập boxing, tôi cũng dành hết thời gian cho nó để không phải nghĩ, nhớ những chuyện buồn khác.
Nhưng người hâm mộ lại luôn thấy một Thu Nhi tự tin, hay cười?
Đúng là như thế (Cười). Tuy vậy, tôi cười không có nghĩa là trong lòng đang vui.
Tôi cười vì không muốn nỗi buồn của mình ảnh hưởng đến người khác. Tôi không muốn ai biết tôi buồn. Việc này không đem lại điều gì tích cực cho cuộc sống, cho những người xung quanh tôi.
Nếu không thể khiến mọi người vui, tôi cũng không muốn họ cảm thấy phiền lòng hay mất vui vì những chuyện của mình.
Có phải việc sớm phải lăn lộn với cuộc đời đã đưa Thu Nhi đến với võ thuật?
Không phải như vậy đâu. Ngay từ lúc nhỏ, tôi luôn ý thức được rằng gia đình mình rất khó khăn nên tôi không bao giờ mâu thuẫn, xô xát với người khác. Vì xô xát tôi sẽ phải đền tiền.
Nếu hoàn cảnh tuổi thơ tác động đến sự nghiệp võ thuật, tôi nghĩ mình sẽ là trọng tài vì lúc nhỏ, mỗi khi bạn bè đánh nhau, tôi luôn là người đến căn ngăn, khuyên giải.
Vậy bạn đến với võ thuật và môn boxing như thế nào?
Tôi đến với võ thuật khi đang học trung học phổ thông. Năm ấy, trường tổ chức cho học sinh học võ cổ truyền để cộng điểm môn thể dục.
Lúc đó, thầy tôi vừa dạy võ cổ truyền vừa dạy boxing. Ngoài tôi cũng có nhiều bạn nữ khác tham gia học võ. Tuy nhiên, chắc thầy thấy tôi có tố chất nào đó nên cho tôi theo học boxing.
Để có thành công như bây giờ, Thu Nhi đã trải qua những gì?
Tôi đã đánh đổi cả tuổi trẻ của mình. Tôi đi chơi ít hơn các bạn và luyện tập nhiều hơn các bạn khác.
Hầu như thời gian trong những năm tháng ấy, tôi đã dành hết cho việc tập luyện. Thậm chí, lễ, Tết tôi cũng đến trung tâm luyện tập.
Tôi cũng không được gần gũi với gia đình như các bạn khác. Đó cũng là một nguyên nhân khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mình trở nên cô độc.
Đã có lúc muốn dừng lại, buông bỏ boxing
Cuộc sống cô độc ấy có ảnh hưởng đến sự nghiệp võ thuật của Thu Nhi không?
Nỗi buồn không khiến tôi lo sợ và ảnh hưởng đến việc tập luyện boxing. Nhưng đã có lúc tôi muốn dừng lại, “buông tay” môn võ yêu thích. Đó là những lúc cuộc sống của tôi quá khó khăn.
Tập luyện, thi đấu nhưng không đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống nên đã có lúc tôi muốn dừng lại. Thế nhưng, niềm đam mê đối với boxing vẫn còn rất lớn nên tôi lại tiếp tục.
Hiện tại, bạn đã có những thành công nhất định cùng boxing. Bạn có bí quyết gì?
Tôi tập luyện rất nhiều. Trước khi thi đấu, tôi không quan tâm đối thủ của mình là ai và không bao giờ đặt nặng việc thắng thua.
Khi lên võ đài, tôi chỉ nghĩ rằng, mình cứ thể hiện hết tất cả những gì mình có và để việc phân định thắng thua cho trọng tài.
Nếu quá đặt nặng vấn đề thắng thua, mình sẽ bị áp lực tâm lý và sẽ không thể triển khai được các chiến thuật đã đề ra.
Bước lên võ đài, tôi sẽ thi đấu và thể hiện hết những gì mình đã có để sau khi bước xuống võ đài, tôi không có cảm giác hối hận.
Sau khi đánh bại Etsuko Tada, giành đai vô địch hạng mini-flyweight của WBO, bạn đã hét lớn: “I’m from Viet Nam” (Tôi đến từ Việt Nam). Vì sao bạn lại nói câu này?
Tôi không có kịch bản trước về việc ăn mừng này. Khi được cõng lên vai, nhìn thấy lá cờ Việt Nam, cảm xúc trong tôi dâng trào và nói câu ấy một cách tự nhiên.
Tôi muốn thế giới biết tôi là người Việt Nam và người Việt Nam có thể vươn ra tầm thế giới.
Trước đó, rất nhiều người nói tôi không thể thắng được võ sĩ Nhật Bản. Thậm chí có người còn lo lắng tôi sẽ bị hạ knock-out… Họ có ý xem thường người Việt Nam nên tôi muốn khẳng định, người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm thế giới.
Trước đây, Thu Nhi có bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành võ sĩ nổi tiếng hay không?
Những năm tháng ấy, cuộc sống của tôi khó khăn lắm nên chỉ nghĩ được rằng thượng đài để có tiền lo cho cuộc sống thôi. Bây giờ, tôi xem những cơ cực tuổi thơ là động lực để cố gắng, phấn đấu.
Có thể xem việc đoạt đai WBO thế giới hạng mini-flyweight (ruồi nhẹ) là một thành công lớn. Sau thành công này, bạn có dự định gì?
Đó là một thành công và tôi thực sự hạnh phúc về điều đó. Hiện tại, do vết thương sau trận tranh đai vừa qua chưa lành nên tôi đang trong thời kỳ dưỡng thương. Sau đó, tôi sẽ bảo vệ đai vô địch của mình.
Ước mơ của tôi đối với boxing còn nhiều lắm. Đầu tiên, tôi sẽ cố gắng bảo vệ đai vô địch của mình lâu nhất có thể. Sau đó, tôi sẽ qua các hệ thống khác để tranh đai. Tôi ước mơ có thể thống nhất đai của các hệ thống.
Cuối cùng, tôi mong muốn góp phần đưa boxing Việt Nam vươn ra thế giới, đạt được nhiều thành tích hơn trong tương lai.
Sau những gian khó, giờ đây bạn đã gặt hái được thành quả. Thu Nhi có thể chia sẻ về bài học cuộc sống cũng như kinh nghiệm sống của mình hay không?
Tôi đã nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống khó khăn của mình. Cứ cố gắng, nỗ lực hết mình, nhất là cố gắng vì ước mơ của bản thân thì một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
Võ sĩ Thu Nhi tên thật là Nguyễn Thị Thu Nhi (SN 1996, quê tỉnh An Giang). Cô đến với võ thuật năm 14 tuổi. Năm 2015, Thu Nhi tham gia và giành chiến thắng ở giải boxing bán chuyên đầu tiên tại Việt Nam.
Sau đó, nữ võ sĩ tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình với Huy chương Vàng giải Vô địch toàn quốc trong 3 năm 2015, 2017, 2018; Huy chương Vàng Cúp các câu lạc bộ toàn quốc từ năm 2015 đến 2019.
Năm 2018, Thu Nhi tham gia giải boxing Victory 8 và đánh bại Gretchen Abaniel, tay đấm lừng danh thế giới người Philippines khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Năm 2019, võ sĩ Thu Nhi chuyển sang đấu trường quyền anh chuyên nghiệp. Cùng năm, cô hạ knock-out tay đấm Thái Lan Kannika Bangnara chỉ sau 6 giây ở sự kiện boxing Thanh thiếu niên châu Á 2019.
Tháng 2/2020, Nguyễn Thị Thu Nhi tiếp tục đánh bại đối thủ người Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh sau 10 hiệp tại Campuchia mang về chiếc đai WBO Châu Á – Thái Bình Dương hạng mini-flyweight.
Chiếc đai WBO Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định Thu Nhi là nữ võ sĩ đầu tiên của Việt Nam có được danh hiệu chuyên nghiệp ở một trong 4 tổ chức quyền anh lớn trên thế giới (WBO, WBA, IBF và WBC).
Chiều 23/10/2021, Nguyễn Thị Thu Nhi tiếp tục đánh bại Etsuko Tada (Nhật Bản) để mang về đai vô địch hạng mini-flyweight của WBO. Với chiếc đai này, Thu Nhi trở thành võ sĩ boxing đầu tiên của Việt Nam vô địch thế giới ở hạng cân nói trên.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp