8,5km metro Nhổn - ga Hà Nội ra sao trước giờ G?
Dự kiến vận hành ngày 9/8, người dân trên tuyến Nhổn - QL32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy sắp có thể đi tàu điện đi làm mỗi ngày.
Miễn phí 15 ngày đầu
Ngày 2/8 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện và thống nhất đưa đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành thương mại.
Hội đồng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với chủ đầu tư trong việc tiếp nhận, bàn giao đảm bảo sẵn sàng vận hành, tổ chức rà soát lại công tác chuẩn bị nhân lực phục vụ chạy tàu và thực hiện vận hành, khai thác theo đúng quy trình, biểu đồ chạy tàu đã được phê duyệt.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đang cùng với các đơn vị hoàn tất các phần việc liên quan như phương án giá vé, phương án kết nối với xe buýt, taxi, điểm trông giữ phương tiện ở các ga dọc đường.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (HMC) cũng đang phối hợp chặt chẽ về công tác nhân sự. Đến nay, 353 lái tàu đã được đào tạo cho HMC. Hiện, toàn bộ nhân sự của HMC trực tiếp điều hành tuyến, dưới sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Trực tiếp trong vai hành khách trải nghiệm các ga và đi thử tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội, ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, hệ thống các nhà ga và vé đi tàu có sự khác biệt so với tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cùng với với thẻ vé (card), ở tuyến này còn có loại thẻ vé lượt (hình tròn, giống như đồng xu). Khách mua vé lượt sẽ được cấp chiếc vé này, khi qua cửa soát vé dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
Ở các ga đi tàu có lắp đặt hệ thống thang bộ, thang cuốn ở chiều lên, thang máy đứng ở hai bên hè đường để tiện lợi cho cả hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em.
Tại tầng 3, nhà ga được thiết kế với tấm vật liệu nhựa, kết hợp với một số giếng trời hở để lấy ánh sáng, không khí tự nhiên nên rất thoáng đãng. Trên sân ke ga có các hàng cột (đỡ mái) to, khu vực ghế ngồi chờ được chia thành các ô, với thiết kế các hàng cột và mái che riêng.
Tầng 2 là tầng trung chuyển mua vé, kiểm soát vé, có 2 hướng cầu thang để vào vào/ra với hai chiều soát vé.
Dự kiến trong 15 ngày đầu, khách đi tàu sẽ được miễn phí. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000 - 12.000 đồng.
Kết nối thuận tiện với xe buýt
Theo thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách.
HMC trình UBND TP Hà Nội phương án dự kiến vận hành 4 và 6 đoàn tàu. Theo đó, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội hoàn thiện. Theo đó, dọc trục tuyến metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động.
Hai điểm trung chuyển (Cầu Giấy và Nhổn) có 32 điểm dừng xe buýt (16 điểm có nhà chờ). Hiện 8 ga kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0 - 50m.
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản đã tạo ra ra được sự kết nối giữa tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Điều đó tạo thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa 2 tuyến metro hệ thống bằng xe buýt. Cụ thể, 2 tuyến metro được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, đủ khả năng đáp ứng khoảng 15 - 30% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Dự kiến 2027 hoàn thành toàn tuyến
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến tuyến hoàn thành vào năm 2027.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, công trình ban đầu được khởi nguồn từ ý tưởng kết nối trung tâm thành phố với vùng nông thôn (Nhổn). Kỳ vọng của Hà Nội khi lên kế hoạch là xây dựng tổ hợp TOD xung quanh ga Nhổn, giúp nơi đây có sức bật lớn. Đồng thời, tạo thuận lợi cho mục tiêu giãn dân khỏi nội đô. Thời điểm dự án được phê duyệt lần đầu năm 2006, quỹ đất còn rất nhiều.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhớ lại, với vị trí xa trung tâm, mật độ xây dựng chưa cao và còn nhiều dư địa để quy hoạch, khu vực Nhổn phù hợp để Hà Nội lựa chọn triển khai dự án.
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2009 - 2015. Đến tháng 12/2018, sau hàng loạt khó khăn trong giải phóng mặt bằng và thi công, dự án đội vốn lên 32.910 tỷ đồng, thời gian thi công kéo dài đến năm 2022.
Mốc thời gian cuối cùng được đưa ra để vận hành đoạn trên cao của dự án là cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024 và đoạn ngầm là năm 2027. Tổng mức đầu tư dự án cũng được đề nghị nâng lên 34.532 tỷ đồng. Nhưng phải đến tháng 8/2024, dự án mới được chốt lại ngày khai thác thương mại.
Nhớ lại chặng đường dài thi công dự án, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban MRB cho biết: "Tên đầy đủ của dự án là "Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội". Ngay từ cái tên, từ "thí điểm" đã thể hiện đây là dự án mới, đầu tiên của thành phố. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng".
Theo ông Sơn, với công trình ngầm, pháp luật thời điểm đó cũng chưa có quy định cụ thể trong việc giải phóng mặt bằng hay tạm cư, không thu hồi đất với những người dân bị ảnh hưởng bởi tuyến ngầm.
Cùng với đó là khó khăn về nguồn vốn, thanh toán cho nhà thầu. Có những thời điểm như năm 2018 - 2019, nguồn vốn bố trí cho dự án không đáp ứng được nhu cầu. Có thời điểm, hiệp định vay hết hạn, thủ tục để gia hạn mất rất nhiều thời gian, dẫn đến thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ.
Ngoài ra, quá trình thực hiện có những vướng mắc liên quan đến pháp lý, liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của pháp luật hiện hành và quy định của quốc tế nên nhà thầu cũng phải giải quyết.
"Việt Nam chưa có hệ thống định mức, đơn giá cho đường sắt đô thị, hay một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho đường sắt đô thị", ông Sơn kể và cho biết, dự án bị kéo dài còn do quy trình thủ tục rất phức tạp.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km.
Lộ trình của tuyến gồm điểm đầu Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo).