74% người Việt vẫn thích mua sắm trực tiếp thay vì online
Người tiêu dùng Việt vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng để kiểm tra chất lượng sản phẩm (74%) và trực tiếp lựa chọn sản phẩm trước khi mua (58%).
Thời gian giao hàng là một trong những yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh. (Ảnh minh họa)
"Đơn hàng B2B trên phạm vi toàn quốc của Trung Quốc có thể giao trong thời gian trung bình chỉ dưới 1 ngày. Trong khi tại Việt Nam, với các đơn hàng từ Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc thì có thể giao dưới 24 giờ; nhưng các đơn hàng từ TP.HCM đến các tỉnh miền núi phía Bắc, hay từ Hà Nội đến các tỉnh miền Tây là dưới 3 ngày", đó là chia sẻ của đại diện Ninja Van tại một buổi tọa đàm mới đây.
Điều này phản ánh hệ thống logistics của quốc gia láng giềng vượt trội hơn thế nào so với Việt Nam, chưa kể Trung Quốc có diện tích rộng hơn nhiều. Do đó, theo Ninja Van, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang dần chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau một thời kỳ đầy thách thức, việc đồng hành cùng một đối tác logistics đáng tin cậy trong giao hàng chặng cuối là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đạt được những kỳ vọng của họ.
Cũng tại buổi tọa đàm, Ninja Van đã công bố sách trắng “Từ kho hàng đến tay người mua: Nghệ thuật của chiến lược logistics thông suốt”. Sách trắng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giao hàng chặng cuối, đặc biệt trong bối cảnh mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng đang dần trở lại ở Đông Nam Á.
Dẫn khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC, báo cáo cho biết, người tiêu dùng Việt vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng để kiểm tra chất lượng sản phẩm (74%) và trực tiếp lựa chọn sản phẩm trước khi mua (58%). Do đó, việc mở rộng quy mô kinh doanh cần đảm bảo sản phẩm luôn có sẵn tại các cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả những địa điểm xa xôi.
Ông Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ông Phan Xuân Dzũng - Chủ tịch Ninja Van Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần một “chiến lược logistics thông suốt” để đảm bảo cung ứng sản phẩm đúng nơi, đúng thời điểm với chi phí tối ưu. Yếu tố then chốt trong chiến lược này là sự linh hoạt, từ số lượng đơn hàng, thời gian vận chuyển, cho đến đội xe và tuyến đường, giúp doanh nghiệp giải quyết các thách thức riêng và tối ưu hóa chi phí.
"Với đặc tính của mô hình yêu cầu cao về mạng lưới kết nối sâu rộng, hệ thống vận đơn linh hoạt, MFast phải đối mặt với yêu cầu giao hàng đến các khu vực huyện, thôn, xã vùng sâu, vùng xa; đồng thời dành nhiều thời gian giải quyết khiếu nại khi hàng giao trễ, mất mát hoặc hỏng hóc từ nhà bán hàng, đội ngũ kinh doanh đến người dùng cuối…", ông Phan Thanh Vinh - Chủ tịch Chủ tịch MFast tiếp lời về những khó khăn gặp phải.
Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự hợp tác với Ninja Van, theo ông Vinh, thời gian giao hàng liên miền, cận miền và nội miền của MFast đã được rút ngắn từ 2 - 3 ngày, trong khi các khiếu nại được xử lý trong vòng 24 giờ. Sau 2 tháng hợp tác, sản lượng đơn hàng giao với Ninja B2B đã tăng gấp đôi, giúp MFast cải thiện uy tín và sẵn sàng mở rộng quy mô kinh doanh.
Còn theo ông Phan Xuân Dzũng, các doanh nghiệp không cần phải đầu tư vào kho bãi hay sở hữu đội xe nhà tốn kém nữa, mà giờ đây họ hoàn toàn có thể mở rộng thị trường một cách hiệu quả, dễ dàng và tối ưu với đối tác giao hàng. "Nhờ sự tối ưu trên nền tảng vận tải phục vụ thương mại điện tử mà Ninja B2B có khả năng rút ngắn thời gian giao hàng từ 1 - 2 ngày tùy tuyến, và đưa hàng hóa đến tận những điểm xa nhất", ông dẫn chứng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5%/năm).