7 lưu ý giúp chạy bộ an toàn, tránh đột quỵ
Chạy bộ tốt cho sức khỏe, nhưng nếu chủ quan, không tầm soát bệnh lý tim mạch và tập sai cách, người chạy có thể đối mặt nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.
Chạy bộ là một trong những môn thể thao đơn giản, tiết kiệm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những người có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn hoặc tập luyện sai cách.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội), khoảng 80% các ca đột quỵ khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước, nhưng nhiều trường hợp không biết do chưa từng tầm soát hoặc khám không đúng chuyên khoa. Cũng có người biết mình có bệnh nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ, cố gắng tập luyện để “tăng sức bền”.
Các ca đột quỵ ở người chạy bộ thường xảy ra khi vận động cường độ cao, nhất là ở người sau 35 tuổi, nam giới nguy cơ cao hơn nữ. Những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới đột quỵ tim bao gồm bệnh cơ tim phì đại, van tim bất thường, rối loạn nhịp tim, tim bẩm sinh hoặc sử dụng chất kích thích như doping.
“Các bệnh lý như cơ tim giãn nở, bệnh mạch vành có thể không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi gắng sức, các nguy cơ sẽ bộc lộ rõ rệt, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không xử trí kịp thời”, bác sĩ Mạnh nói.

Chạy bộ là một trong những môn thể thao đơn giản, tiết kiệm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)
Tầm soát trước khi chạy
Để giảm thiểu rủi ro, người tập thể thao dù chuyên nghiệp hay phong trào nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Gói khám nên bao gồm test gắng sức, đo điện tim, siêu âm tim và chia sẻ tiền sử bệnh cá nhân cũng như gia đình để bác sĩ đánh giá nguy cơ tổng thể.
7 lưu ý giúp chạy bộ an toàn, tránh đột quỵ
Khởi động đúng cách: Làm nóng toàn bộ nhóm cơ bằng các động tác nhẹ đến nặng dần, kéo dài khoảng 5-10 phút. Tránh khởi động quá lâu khiến cơ bị oải, tiêu hao năng lượng không cần thiết. Không dùng dầu nóng thay thế vì chỉ làm ấm da chứ không tác động sâu đến gân cơ.
Tầm soát sức khỏe trước khi tập: Đặc biệt nếu có tiền sử tim mạch, bệnh phổi, cao huyết áp hoặc vấn đề cơ xương khớp. Với người trung niên, càng cần thận trọng.
Tăng cường độ hợp lý: Không bắt đầu quá nhanh hay quá mạnh. Cường độ và quãng đường cần tăng dần theo tuần tự, ví dụ mỗi tuần chỉ nên tăng thêm khoảng 200m.
Chủ động lắng nghe cơ thể: Nếu cảm thấy mệt, chóng mặt, đau ngực hay khó thở – cần dừng chạy, nghỉ ngơi ngay và không cố gắng tiếp tục.
Bổ sung nước đầy đủ: Tránh để cơ thể mất nước hoặc sốc nhiệt, nhất là khi chạy dưới trời nắng nóng.
Giảm tốc độ từ từ: Khi kết thúc bài chạy, cần cooldown bằng cách đi bộ chậm và thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ để giúp cơ phục hồi.
Không chạy khi đang ốm: Nếu cơ thể không khỏe, hãy nghỉ ngơi hoàn toàn. Cố chạy khi mệt có thể dẫn tới biến chứng tim mạch.
Chạy bộ chỉ thực sự có lợi khi bạn hiểu rõ cơ thể mình, tập luyện đúng cách và không chủ quan với những cảnh báo sớm từ sức khỏe. Kiểm tra thể lực định kỳ và lắng nghe cơ thể là cách tốt nhất để mỗi bước chạy là một bước tiến tới sức khỏe bền vững thay vì gục ngã vì tai biến giữa đường đua.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/7-luu-y-giup-chay-bo-an-toan-tranh-dot-quy-ar953404.html