65 năm mở đường Trường Sơn - con đường huyền thoại của dân tộc Việt Nam

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch, con đường đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Cách đây 65 năm, vào đầu tháng 5/1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam.

Chỉ thị của Bộ Chính trị ghi rõ: “Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Chỉ thị của Bộ Chính trị còn căn dặn: “Mở đường và tổ chức vận tải từ miền Bắc vào miền Nam phải tuyệt đối bí mật, an toàn".

Thực hiện Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập. Người được Bộ Chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường này là Thiếu tướng Võ Bẩm. Ông đồng thời được giao nhiệm vụ giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559.

Thiếu tướng Võ Bẩm khi làm Đoàn trưởng Đoàn 559. (Ảnh Tư liệu)

Thiếu tướng Võ Bẩm khi làm Đoàn trưởng Đoàn 559. (Ảnh Tư liệu)

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Đoàn đề nghị được lấy 19/5/1959 là ngày truyền thống. Do đó Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559 và như là một biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi với cái tên đường Hồ Chí Minh.

Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu)

Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu)

Nguyên tắc tối cao của việc mở đường vào Nam đã được Trung ương căn dặn: “Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng".

Vậy nên, trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối, Đoàn công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung trạm đã không quản núi cao, suối sâu, đêm tối và hệ thống đồn bốt chặn nghiêm ngặt của địch, tuyệt đối đảm bảo bí mật, an toàn đưa số vũ khí đến cho Liên khu 5 ở phía bắc A Sầu, A Lưới (Khe Sanh).

Đây là cột mốc to lớn đối với cách mạng Việt Nam vì một khẩu súng, một viên đạn được vận chuyển tới chiến trường là thể hiện lòng dân - ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.(Ảnh tư liệu)

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.(Ảnh tư liệu)

Trong năm 1963, trên tuyến đường này, Đoàn 559 đã chuyển được vào Nam 160.000 cỗ súng các loại, trong đó có pháo cối, DKZ... Những lực lượng này đã góp phần quyết định cho những chiến thắng vang dội của những năm kế tiếp 1964,1965 như chiến thắng Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia... Đến lúc này, tổng quân số của Đoàn 559 đã lên đến 6.997 người. Trang bị phương tiện vận tải gồm 1.900 chiếc xe đạp thồ, 3 thớt voi, 40 con ngựa thồ, 70 ô tô vận tải...

Tính đến cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài gồm 781 km đường ô tô, hơn 600 km đường giao liên và gùi thổ. Một mạng lưới vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn cũng đã hình thành, với hệ thống ba đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thổ và đường vận tải cơ giới, gồm những trục đường chính và những đường nhánh đi vào các chiến trường.

Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)

Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)

Đến năm 1965, đề đối phó với quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc phòng quyết định nâng Đoàn 559 lên cấp Quân khu và cử Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Đại tá Võ Bẩm làm Phó Tư lệnh. Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Phó Chính ủy... Từ đây, đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ thống đường chiến lược cơ giới, gồm ba tuyến liên hoàn, đảm bảo vận chuyển suốt bốn mùa, kể cả mùa mưa.

Đoàn công tác quân sự đặc biệt 559 từ một đơn vị vận tải giao liên, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội gồm: vận tải, bộ binh, công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, đảm bảo tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những cống hiến của mình, Đoàn 559 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất; 77 đơn vị và 44 cán bộ, chiến sĩ được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ đội và Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn phục vụ vận tải bằng cơ giới.(Ảnh tư liệu)

Bộ đội và Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn phục vụ vận tải bằng cơ giới.(Ảnh tư liệu)

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch, con đường đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".

Tư liệu trong bài được trích dẫn từ cuốn "Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam" của tác giả Nguyễn Việt Phương, cuốn "Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại", tập 2 và cuốn "đường mòn Hồ Chí Minh" của tác giả Đặng Phong.

CTV Thùy LinhVOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/65-nam-mo-duong-truong-son-con-duong-huyen-thoai-cua-dan-toc-viet-nam-post1095230.vov