6 loại thuốc có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ khi dùng
Mệt mỏi, buồn ngủ là một trong các tác dụng phụ thường gặp của một số thuốc. Do đó, khi dùng người bệnh cần lưu ý để dùng thuốc được an toàn và hiệu quả.
Một số loại thuốc gây buồn ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng cho người dùng và có thể thay đổi theo từng trường hợp.
1. Thuốc trị dị ứng (thuốc kháng histamine) có thể gây buồn ngủ, mệt mỏi
Thuốc trị dị ứng có sẵn dưới dạng thuốc viên, dạng lỏng, ống hít, thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mắt, kem bôi da và thuốc tiêm. Các thuốc này có thể sử dụng theo đơn hoặc không kê đơn.
Thuốc kháng histamine giúp làm giảm triệu chứng sổ mũi, ngứa hoặc chảy nước mắt, nổi mề đay, sưng tấy... nhưng có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ, nên thường có mặt trong một số phác đồ điều trị mất ngủ.
Một số thuốc kháng histamin có xu hướng gây buồn ngủ như: Brompheniramine, diphenhydramine, hydroxyzine và meclizine.
Do đó, nên phải thận trọng khi dùng thuốc người làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc… Có thể lựa chọn những thuốc gây buồn ngủ ít hơn hoặc không gây buồn ngủ như certirizin, desloratadin, fexonfenadine, loratadin.
2. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm ba vòng đã được FDA chấp thuận để điều trị rối loạn trầm cảm nặng bao gồm amitriptyline, amoxapine, doxepin, desipramine, nortriptyline, protriptyline, imipramine và tripipramine. Clomipramine được chấp thuận để điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở những người từ 10 tuổi trở lên.
Các chỉ định của thuốc chống trầm cảm ba vòng bao gồm điều trị dự phòng chứng đau nửa đầu, OCD, mất ngủ, lo âu và kiểm soát cơn đau mạn tính, đặc biệt là các tình trạng đau do bệnh lý thần kinh như đau cân cơ, bệnh thần kinh do đái tháo đường và đau dây thần kinh sau herpes.
Doxepin và amitriptyline là những thuốc chống trầm cảm ba vòng được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị dự phòng chứng đau nửa đầu.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể khiến người dùng bị mệt mỏi, buồn ngủ. Thuốc cũng có thể gây táo bón, chóng mặt và khô miệng, bí tiểu, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp thể đứng, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân và lú lẫn...
Lưu ý, không được tự ý sử dụng thuốc hay sử dụng trong thời gian dài mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ.
3. Thuốc điều trị tăng huyết áp
Thuốc chẹn beta (như atenolol, metoprolol tartrate, metoprolol succinate, propranolol hydrochlorid...) là một trong những nhóm thuốc giãn mạch, có tác dụng điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, do thuốc có thể làm giảm nhịp tim nên khi uống các thuốc này, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc trị tăng huyết áp, mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ riêng. Một số tác dụng phụ có thể chỉ là tạm thời, một số có thể lâu dài hơn. Những tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ hoặc mệt mỏi, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Do đó, việc dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ vừa giúp kiểm soát huyết áp, vừa giảm thiểu được những tác dụng phụ nguy hiểm.
4. Thuốc giãn cơ
Hầu hết các thuốc giãn cơ không tác động trực tiếp lên cơ. Thay vào đó, thuốc tác động lên các dây thần kinh trong não và cột sống làm cho cơ bắp thư giãn. Thuốc gây buồn ngủ, mệt mỏi là do có tác động lên hệ thần kinh.
Một số thuốc giãn cơ phổ biến là carisoprodol và cyclobenzaprine.
5. Thuốc giảm đau opioid
Opioid hoạt động giống như chất hóa học mà cơ thể tạo ra để kiểm soát cơn đau, được gọi là endorphin. Những loại phổ biến là fentanyl, morphine, oxymorphone, oxycodone...
Các thuốc này được dùng để điều trị chứng đau mạn tính, đau sau phẫu thuật hoặc đau do ung thư. Thuốc gây buồn ngủ, mệt mỏi cho người sử dụng, do đó cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng.
6. Thuốc điều trị động kinh
Thuốc điều trị động kinh (còn được gọi là thuốc chống co giật) có thể hoạt động trên các tế bào não hoặc các hóa chất mà chúng sử dụng để dẫn truyền. Một số loại thuốc điều trị động kinh cũng có tác dụng như thuốc điều trị chứng lo âu và khiến người bệnh buồn ngủ, mệt mỏi.
Các thuốc thường gặp là carbamazepine, phenobarbital, phenytoin, topiramate và axit valproic.
Để tránh gặp tác dụng phụ gây buồn ngủ, mệt mỏi, người bệnh cần lưu ý:
- Điều chỉnh liều/thay đổi thuốc: Thông thường, cơn buồn ngủ do thuốc này sẽ giảm dần theo thời gian khi cơ thể bắt đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu thuốc gây buồn ngủ quá mức, ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc công việc hàng này, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều có điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc khác phù hợp hơn.
- Nên giữ thói quen ngủ lành mạnh: Ngủ đủ giấc, ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Hạn chế các loại thuốc không kê đơn có tác dụng phụ gây buồn ngủ.
- Hạn chế các chất khác có thể gây mệt mỏi (như rượu).
- Có thể trao đổi với bác sĩ về việc có dùng thuốc gây buồn ngủ vào ban đêm hay không.