50 năm non sông liền một dải - Bài 9: Định vị thương hiệu y tế TPHCM trên bản đồ thế giới

50 năm qua, đồng hành với sự phát triển của TPHCM, ngành y tế thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Dám nghĩ, dám làm, dám đổi thay

Gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố mang tên Bác, 50 năm qua, ngành y tế TPHCM đã không ngừng nỗ lực để tạo nên những dấu ấn nổi bật trong sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Trương Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, những ngày đầu đất nước thống nhất, trong bối cảnh vừa phải tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh vừa phải đương đầu với sự bao vây, cấm vận, thành phố đối mặt với vô vàn thử thách to lớn; nhưng ngành y tế đã từng bước củng cố, xây dựng, phát triển từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có.

“Nhiệm vụ của Sở Y tế lúc đó là không để công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân bị gián đoạn, giải quyết tốt vấn đề y tế công cộng, phòng chống dịch bệnh; mặt khác xây dựng mạng lưới y tế cơ sở từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã và mạng lưới y tế cộng đồng để đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe của người dân. Nhờ đó, ngành y tế triển khai thống nhất hệ thống y tế kết hợp khám bệnh, chữa bệnh và dự phòng, góp phần làm giảm và khống chế các dịch bệnh như sốt rét, bại liệt, tả, thương hàn, uốn ván sơ sinh cũng như góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc sau giải phóng”, bác sĩ Trương Xuân Liễu chia sẻ.

 Ê kíp mổ tách dính cặp song sinh Việt - Đức tại Bệnh viện Từ Dũ vào năm 1988. Ảnh: TƯ LIỆU

Ê kíp mổ tách dính cặp song sinh Việt - Đức tại Bệnh viện Từ Dũ vào năm 1988. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ khi đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, ngành y tế thành phố là một trong những ngành nhanh chóng vươn lên, bắt kịp xu thế phát triển và hội nhập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân thành phố. Những năm 1986-2004 là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành y tế thành phố nhờ tính năng động, dám nghĩ, dám làm của những người thầy thuốc.

Nhiều kỹ thuật ngang tầm thế giới được áp dụng và triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam: phẫu thuật tim, phẫu thuật phaco, phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, cột sống… Nhiều sự kiện y tế đã làm rung động lòng người trong và ngoài nước, như ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức, 3 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm…

Nhớ lại giây phút cân não trên bàn mổ, GS Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức cách đây 37 năm) chia sẻ, thời điểm đó, phẫu thuật tách rời trẻ song sinh dính nhau là một việc rất khó, bởi kinh tế trong nước còn đang bị cấm vận với nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế không đầy đủ, việc thực hiện các chẩn đoán ban đầu qua hình ảnh gần như không thể thực hiện.

Đúng 7 giờ ngày 4-10-1988, ca đại phẫu tách cặp song sinh Việt - Đức được tiến hành tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM và thành công sau 15 giờ phẫu thuật. Đây là một cuộc đại phẫu rất phức tạp, được thực hiện trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, ngành y hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề… Đây không chỉ là một thành tựu khoa học đã được khẳng định mà còn mang ý nghĩa của sự vượt khó trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước…

Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN:

TPHCM là điểm sáng của cả nước về y tế

TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới...

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân thành phố cũng như các tỉnh phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, ngành y tế thành phố cần tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, chất lượng cao ngang tầm khu vực, định hướng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách riêng, có thể với hình thức thí điểm, đặc biệt là cơ chế tài chính, cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện và phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Anh DUSTIN NOEL MATHIS (quốc tịch Mỹ):

Hệ thống y tế đẳng cấp thế giới

Tôi đã có một gia đình tuyệt vời ở Việt Nam nhờ vào phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Mỹ Đức. Từng sinh sống và làm việc tại TPHCM, tôi thấy hệ thống y tế nơi này thực sự mang tầm đẳng cấp thế giới. Đó là một trong những lý do khiến tôi không muốn rời đi. Tôi rất thích vì thời gian chờ đợi ngắn, bác sĩ chuyên nghiệp và hầu hết đều nói được tiếng Anh chuyên môn. Kỹ thuật tiên tiến và giá cả phải chăng là điều tôi sẽ giới thiệu với bạn bè khi nói về dịch vụ y tế TPHCM, và tôi tin rằng nếu được tiếp tục duy trì và phát triển như thế này, hệ thống y tế sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hướng đến trung tâm y tế khu vực

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến nay, đội ngũ nhân lực y tế không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà đã có nhiều thành tựu vượt trội trong nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật, đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế tiệm cận thế giới (như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản...).

Nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu sánh ngang tầm các nước có nền y học phát triển. TPHCM trở thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn cho nhiều y, bác sĩ từ các nước trong khu vực và trên thế giới, như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim, phẫu thuật nội soi robot, can thiệp bào thai... “Bộ mặt” ngành y cũng thay đổi nhanh chóng, khi nhiều công trình xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả.

“Tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh nếu như trước đây chỉ là những cánh đồng ruộng lúa thì nay là các bệnh viện mới cùng cơ sở hạ tầng hiện đại, như Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, sắp tới sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Chấn thương… Tất cả như một bức tranh được lắp ghép và đang dần khắc họa nên một cụm y tế chuyên sâu hoàn chỉnh đầu tiên trên cả nước - một mô hình khu y tế tập trung thường chỉ thấy tại các nước có hệ thống y tế phát triển”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng thông tin.

Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng trong nước, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố cũng đã nỗ lực đạt các chứng nhận quốc tế về chuyên môn và chất lượng bệnh viện của các tổ chức quốc tế có uy tín, hướng tới mục tiêu sớm đưa TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ở khu vực ASEAN.

Theo người đứng đầu ngành y tế thành phố, có nhiều bệnh viện được các tổ chức quốc tế có uy tín công nhận các chuẩn xuất sắc về chuyên môn trong lĩnh vực đột quỵ, hỗ trợ sinh sản, can thiệp và phẫu thuật tim bẩm sinh trẻ em, điều trị suy tim… (Bệnh viện Nhân Dân 115, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhân dân Gia Định…).

Mới đây, lần đầu tiên trên cả nước, TPHCM đã có những bệnh viện công lập đầu tiên được thế giới công nhận và trao chứng nhận chất lượng bệnh viện, cụ thể như Bệnh viện Truyền máu Huyết học đón nhận chứng nhận JCI - chứng nhận về chất lượng dịch vụ y tế (Hoa Kỳ), Bệnh viện Hùng Vương đón nhận chứng nhận ACHS - tiêu chuẩn Quốc tế về chất lượng chăm sóc sức khỏe (Australia)…

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng cho biết, năm 2024, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống y tế TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn hiện thực hóa mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Với chiến lược phát triển bền vững và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực ASEAN, chuyển mình cùng dân tộc trong kỷ nguyên mới. Thành phố không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu y tế của người dân trong nước mà còn thu hút người bệnh quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Từ một hệ thống còn bất cập, ngày nay chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới y tế đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn của cả nước. Đội ngũ nhân lực y tế không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà đã có những thành công vượt trội trong nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ một số nước tiên tiến trên thế giới như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản...

Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN

(Phát biểu tại buổi gặp mặt đội ngũ y, bác sĩ nhân kỷ niệm 70 năm

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2025) vào sáng 25-2-2025)

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/50-nam-non-song-lien-mot-dai-bai-9-dinh-vi-thuong-hieu-y-te-tphcm-tren-ban-do-the-gioi-post790672.html