50 năm giải phóng Long An: Trận đánh cuối cùng (Bài 4)

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi độ tháng tư về, hàng triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Long An nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức, trang sử hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 50 năm đã trôi qua nhưng ngày 30/4/1975 vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân, ngày mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, giang sơn thu về một mối.

Bài 4: Trận đánh cuối cùng

Trận đánh cuối cùng với tên gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ sống mãi trong lòng những người lính già như nhắc nhở một thời oai hùng của các anh hùng, liệt sĩ trong cuộc chiến giải phóng dân tộc. Họ đã dành cả thời thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Thời khắc lịch sử

Bảng sưu tầm chữ ký của Bác được ông Phan Văn Đậm (ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) giữ gìn

Bảng sưu tầm chữ ký của Bác được ông Phan Văn Đậm (ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) giữ gìn

“Tôi may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử khi tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, trong khi đó hàng ngàn đồng đội tôi đã gửi lại xương máu trên con đường tiến công trong mùa Xuân năm 1975” - ông Phan Văn Đậm (thương binh hạng 1/4, ngụ ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) mở đầu câu chuyện kể về 50 năm trước.

Ông Đậm sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhà nghèo, đông anh em, có người anh thứ hai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc mới lên 10, ông từng chứng kiến ba mẹ che chở, đánh lạc hướng quân địch để bảo vệ sự sống cho các chú, các bác đang trú ẩn ở gia đình mình. “Ngày đó, ba mẹ tôi nuôi giấu cách mạng. Mỗi lần quân địch đến lùng sục, các chú phải chạy vào trong buồng trú ẩn, chuẩn bị súng đạn, khi tình huống xấu nhất xảy ra là sẵn sàng chiến đấu...” - ông Đậm nhớ lại. Năm 15 tuổi, ông tình nguyện tham gia cách mạng, công tác ở Ban Hậu cần tỉnh Long An. Ngày đó, ông cùng đơn vị hành quân qua nhiều địa bàn, làm nhiệm vụ tải vũ khí và tham gia chống càn.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông bị thương nhiều lần, thậm chí từng chết hụt. Vì vậy, nhiều đồng đội thường gọi ông là “liệt sĩ sống”. Vừa trò chuyện, ông vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết thương trên cơ thể, nặng nhất là ở đầu, tay, chân,... Ông Đậm kể, vào một buổi chiều khoảng 17 giờ năm 1969, khi cùng nhiều đồng đội đi xuồng trên sông qua xã Bình Đức ngày nay, đơn vị ông bị phục kích, nhiều đồng chí trúng mìn hy sinh. Riêng ông bị thương khắp người, tưởng chừng không thể qua khỏi. Sau khi bị rớt xuống sông, ông cố gắng bò lết lên bờ, tìm cách trú ẩn. Sau nhiều giờ lẩn trốn, vừa mất máu, vừa bị muỗi cắn trong đêm, ông tìm được hầm trú ẩn của du kích bỏ lại và ngất đi. Đến sáng hôm sau, khi tỉnh lại, ông thấy du kích vây quanh, định bắt sống mình. Cũng may sau đó, các đồng chí phát hiện nên tập trung chạy chữa và đưa ông trở về Ba Thu. Sau thời gian điều trị, cơ thể ông mới dần bình phục nhưng sức khỏe không còn như xưa. Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, quân ta liên tục tấn công và đánh nhiều trận. Lúc này, ông làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, chi viện, hỗ trợ các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hiện tại, sức khỏe ông suy yếu, đôi chân và tay cử động khó khăn. Hàng ngày, ông phải dùng thuốc để điều trị. Hướng đôi mắt buồn, ông Đậm xúc động: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người khi trải qua cuộc kháng chiến vẫn còn sống. Tôi trở về nhà được sum họp bên gia đình. Nhiều đồng đội của tôi thì không thể...”.

Nhiều năm tham gia cách mạng, ông Đậm nhận được nhiều huân, huy chương các loại, trong đó có Huân chương tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Một thời hoa lửa

Đại tá Nguyễn Văn Nhiều kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đại tá Nguyễn Văn Nhiều kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chúng tôi đến nhà Đại tá Nguyễn Văn Nhiều - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 738, ở phường 6, TP.Tân An vào một chiều tháng 4. Đưa đôi tay bị mất vài ngón rót nước mời khách, như để lý giải cho sự thắc mắc của chúng tôi, ông Nhiều nói: “Mấy ngón tay này bị cụt trong một trận đánh, còn nhiều chỗ khác cũng bị thương, bây giờ đã lành nhưng để lại sẹo, lúc trái gió trở trời lại đau nhức...”.

Nhấp chén trà, ông chậm rãi kể, năm 1969, ở độ tuổi 20, chàng trai trẻ tham gia Đội bảo vệ Tỉnh ủy Long An. Khoảng năm 1972, ông gia nhập Tiểu đoàn 1 với nhiệm vụ thông tin, vận động và trực tiếp chiến đấu. Đơn vị của ông những ngày ấy hành quân liên tục qua nhiều địa bàn khác nhau như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành,... Đến năm 1973, khi kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cao trào, đơn vị của ông đóng quân tại địa bàn Đức Huệ, chuẩn bị cho những trận đánh đồn, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh sau này. “Hồi đó, Tiểu đoàn 1 đánh nhiều trận liên tục, tôi còn nhớ trận đánh đồn tại Kinh Ngây, huyện Thủ Thừa, tôi cùng đồng đội đánh liên tục cả ngày đêm. Vào những tháng đầu năm 1974, chúng tôi lại đánh tiếp các đồn, bót trên địa bàn huyện Bến Lức. Quân địch thua đau, huy động thêm người chi viện nhưng đã bị chúng tôi tiêu diệt” - ông Nhiều nhớ lại.

Tiểu đoàn 1 sau đó rút quân về Đức Huệ để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1975, Tiểu đoàn 1 trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công và đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn. Trong hàng loạt trận đánh, theo ông, đáng chú ý nhất là trận đánh tại cầu chữ Y vì tại nơi đây, vào Tết Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn 1 đã đánh thắng và được tuyên dương anh hùng. Thừa thắng xông lên, ông cùng đồng đội tiếp tục tấn công Tổng nha Cảnh sát,...

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, ông cùng đồng đội liên tục hành quân và chiến đấu. Nắng rát cả da thịt, hành trang mang theo hết sức gọn nhẹ, đi chân đất, chỉ có súng, đạn và một ít lương thực. Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa” và niềm tin, hy vọng chiến thắng đã thôi thúc đơn vị quên đi bao nhọc nhằn, thiếu thốn. “Đến sáng 30/4/1975, chúng tôi vẫn còn ở Sài Gòn. Trưa ngày hôm ấy, tất cả chúng tôi đều nghe rất rõ lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh. Giây phút đó, chúng tôi không bao giờ quên” - ông Nhiều nói.

Khi miền Nam vừa thống nhất, ông cùng đồng đội chẳng nghỉ ngơi mà tiếp tục hành quân về Long An, làm nhiệm vụ quân quản rồi giúp dân làm kinh tế. Hòa bình chưa được bao lâu, sau đó ông nhận nhiệm vụ tham gia chiến trường biên giới Tây Nam.

Gần 20 năm ở Tiểu đoàn 1 cũng là chừng ấy thời gian ông tham gia hầu hết các trận đánh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới Tây Nam. Suốt những năm tháng đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết quả thật quá mong manh. Ông tự hào khi được làm người lính Cụ Hồ và được đứng chân trong hàng ngũ của Tiểu đoàn 1 - đơn vị 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

50 năm đã trôi qua, người lính trẻ năm nào giờ đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Sức khỏe suy yếu sau nhiều năm chinh chiến với những thương tật, thế nhưng, ký ức về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông Nhiều chia sẻ: “Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đất nước đã giải phóng được 50 năm. Chúng tôi bây giờ cũng đã già. Người còn, người mất, người đau ốm, bệnh tật. Chi tiết cụ thể về từng trận chiến có thể không còn nhớ chính xác nhưng với một số trận quyết định, những thời khắc lịch sử như 30/4, tôi không thể nào quên,... Những ngày này, tôi và các đồng đội được nhìn lại những năm tháng đã đi qua để bước tiếp chặng đường sắp tới. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là sức mạnh của toàn dân tộc. Tự hào về quá khứ, đó là những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất oai hùng, cả dân tộc đã đồng lòng vượt khó”./.

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 3)

Ngày 30/4/1975, hai lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn tung bay trên nóc nhà Tòa thị chính tỉnh và Dinh Tỉnh trưởng ngụy, thị xã Tân An, toàn tỉnh Long An hoàn toàn giải phóng.

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài cuối: Khúc ca khải hoàn trên mảnh đất trung dũng, kiên cường

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/50-nam-giai-phong-long-an-tran-danh-cuoi-cung-bai-4--a194025.html