5 năm mối liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh thành

Với hơn 10 triệu dân, cộng thêm mỗi năm đón thêm khoảng 20 triệu khách du lịch nên Hà Nội cần một khối lượng lương thực, thực phẩm khổng lồ.

Nông sản an toàn là ước muốn của người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: NNVN.

Theo tính toán, nhu cầu về gạo của thành phố mỗi tháng là 92.970 tấn, thịt lợn 18.594 tấn, thịt trâu, bò 5.350 tấn, thịt gia cầm 6.198 tấn, trứng 123,9 triệu quả, thủy sản 5.165 tấn, thực phẩm chế biến 5.165 tấn, rau củ 103.300 tấn...

Lượng tự sản xuất được trên địa bàn chỉ đáp ứng được một phần nên Hà Nội phải phụ thuộc vào việc nhập nông sản từ các tỉnh, thành khác và từ nước ngoài. Trước đây rất khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nên đã xảy ra tình trạng "lọt lưới" nông sản không an toàn vào thị trường Thủ đô.

Đó chính là bối cảnh ra đời của “Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”.

Cụ thể, Sở NN-PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành trong Ban điều phối đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong đó có 253 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT.

Một số địa phương cũng có số chuỗi phát triển tăng nhanh, điển hình như Hà Nam năm 2015 có 13 chuỗi cung ứng cho thị trường Hà Nội thì đến năm 2020 tăng lên 21 chuỗi, sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi tăng từ 580 tấn năm 2015 lên 2.250 tấn năm 2019; Sơn La có số chuỗi tăng từ 28 chuỗi lên 144 chuỗi...

Công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản tiêu thụ trên thị trường Hà Nội từ năm 2015 đến tháng 6/2020 đã lấy 18.480 mẫu trong đó 17.606 mẫu đạt chiếm tỷ lệ 95,3%.

Đối với mẫu của các tỉnh, thành vi phạm, đã được thông báo kịp thời để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời. Đã tiến hành thanh, kiểm tra 98.771 lượt tại cơ sở, phát hiện 10.236 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 10,3% (giảm 3,9% so với giai đoạn 2011-2015).

Lý do vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang...Qua đó đã tiến hành xử phạt hành chính với số tiền hơn 17 tỉ đồng.

Các đoàn kiểm tra cũng đã buộc phải tiêu hủy gần 40 tấn thực phẩm mất an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khắc phục về nhãn trên nhiều lô sản phẩm không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định.

Thử bưởi da xanh tại một diễn đàn nông nghiệp. Ảnh: NNVN.

Xác định sản xuất chính là gốc rễ của an toàn thực phẩm, Hà Nội đã phối hợp kiểm tra ở ngay chính vùng rau của các tỉnh, thành có đưa về Thủ đô tiêu thụ. Khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn trồng, sơ chế, vận chuyển, tiêu thụ.

Với vật nuôi, thực hiện các thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với các tỉnh, thành có chương trình hợp tác theo nguyên tắc hai chiều.

Những trường hợp nào nghi ngờ phải kịp thời thông báo cho nhau để sớm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương cũng như để xử lý nhanh các tình huống mất an toàn thực phẩm xảy ra. Truy tìm nguồn gốc các chủ buôn bán gia cầm, gia súc nhập lậu, giúp cho việc ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc đổ về các chợ đầu mối giảm hẳn.

Phần lớn số gia súc, gia cầm đều được tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại nơi xuất phát trước khi đem về Hà Nội.

Hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại ngày càng đa dạng, 20 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đã đi các tỉnh, thành để tìm kiếm sự liên kết.

Qua đó đã đưa được trên 100 lượt doanh nghiệp của Hà Nội đi hợp tác với doanh nghiệp của các tỉnh, thành, ký kết được trên 40 hợp đồng cung cấp sản phẩm và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, bao tiêu sản phẩm về Hà Nội.

Nguyễn Thị Thắm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-i-5-nam-moi-lien-ket-giua-ha-noi-va-21-tinh-thanh-d274914.html