4 phương thức tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học FPT
Năm 2025, Trường Đại học FPT tuyển sinh theo 4 phương thức, tiếp tục mở rộng danh mục đào tạo.
Trường Đại học FPT vừa chính thức công bố phương thức tuyển sinh năm 2025.
Theo đó, bên cạnh 3 phương thức được ổn định duy trì qua nhiều năm như xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng thì năm 2025, nhà trường còn sử dụng phương thức dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả của các kỳ thi này.
Đối với phương thức xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông 2025, thí sinh cần đạt xếp hạng Top 50 năm 2025 theo điểm học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (chứng nhận thực hiện trên trang http://SchoolRank.fpt.edu.vn) với điều kiện điểm Toán và điểm 2 môn bất kỳ của học kỳ 2 năm lớp 12 đạt từ 21 điểm trở lên.
Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ xét theo tổ hợp Toán và 2 môn bất kỳ. Trong đó, điểm môn toán nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả kỳ thi.
Trong khi đó, xét tuyển thẳng vẫn luôn được Trường Đại học FPT chú trọng. Ngoài các thí sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng trong Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì còn có nhiều đối tượng thuộc diện xét tuyển thẳng theo quy định riêng của Trường Đại học FPT.
Tuyển sinh nhiều ngành học "khát" nhân lực
Năm 2025, Trường Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Công nghệ thông tin (Công nghệ ô tô số, Thiết kế Vi mạch bán dẫn, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số), Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư); Luật (Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế); Công nghệ truyền thông (Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc.