4 bài thuốc hỗ trợ phục hồi di chứng viêm não

Trong giai đoạn cấp tính, bệnh viêm não cần được điều trị tích cực. Tuy nhiên, đây là một trong những bệnh lý thần kinh dễ để lại di chứng từ nhẹ đến nặng. Một số bài thuốc có tác dụng hỗ trợ phục hồi các di chứng của bệnh lý này.

Theo quan điểm y học cổ truyền, viêm não thuộc phạm trù ôn bệnh.

Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh sốt cao kéo dài sẽ dẫn đến hao tổn tân dịch, dần dần khiến cho chân âm cạn kiệt, công năng tạng phủ suy giảm, cuối cùng để lại các di chứng trên người bệnh.

Từ đó nguyên tắc điều trị theo y học cổ truyền trong giai đoạn di chứng bao gồm ích khí, dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc, dưỡng âm tiềm dương.

1. Một số bài thuốc thường dùng phục hồi di chứng viêm não

1.1 Bài thuốc 'Tứ quân tử thang'

- Thành phần: Nhân sâm hoặc đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, chích thảo 8g. Sử dụng thuốc thang sắc uống hoặc tán bột mịn, mỗi lần uống 8-12g.

- Phương giải bài thuốc

Nhân sâm hoặc Đảng sâm 12g: Ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị
Bạch linh 12g: kiện Tỳ, thẩm thấp, an thần
Bạch truật 12g: Bổ khí kiện Tỳ, trừ thấp.
Chích thảo 8g: Ích khí, điều hòa vị thuốc

- Tác dụng: Dùng trong trường hợp tỳ vị khí hư, tay chân mỏi mệt, giọng nói nhỏ, ăn kém, sắc mặt nhợt nhạt, mạch hư nhược.

Các vị trong bài thuốc Tứ quân tử thang hỗ trợ trị di chứng viêm não.

1.2 Bài thuốc 'Lục quân tử thang'

- Thành phần:Nhân sâm 8g, bạch linh 8g, bạch truật 8g, bán hạ chế 8g, trần bì 8g, chích cam thảo 4g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 02 lần.

- Tác dụng: Đây chính là bài 'Tứ quân tử thang' gia thêm trần bì, bán hạ chế, với mục đích ích khí kiện tỳ, táo thấp hóa đàm. Dùng trong trường hợp người bệnh tỳ vị khí hư kiêm có chứng đàm thấp, với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, hụt hơi, ỉa lỏng, ngực bụng đầy tức, rêu lưỡi trắng nhớt.

1.3 Bài thuốc 'Lục vị địa hoàng thang'

- Thành phần:Thục địa 32g, sơn thù du 16g, hoài sơn 16g, trạch tả 12g, bạch linh12g, đan bì 12g. Sắc uống 01 thang, ngày 02 lần.

- Phương giải bài thuốc:

Thục địa: Tư bổ thận âm, chấn tinh ích tủy.
Sơn thù du: Tư dưỡng can thận âm, cố sáp tinh khí.
Hoài sơn: Cố tinh, tư bổ Tỳ âm.
Trạch tả: Tiết thận lợi thấp.
Đan bì: Thanh tả can hỏa.
Bạch linh: Kiện tỳ trừ thấp.

- Tác dụng: Dùng trong trường hợp người bệnh âm hư, sinh nội nhiệt, với các triệu chứng như: hoa mắt, chóng mặt, miệng khô, đạo hãn, lưỡi đỏ ít rêu. Đây là bài thuốc thuộc nhóm bổ âm với quân dược là vị thục địa, nên có tính chất gây nê trệ; không sử dụng trên người bệnh có tỳ hư, tiêu lỏng, bụng đầy chướng.

Vị thuốc thục địa.

1.4 Bài thuốc 'Tri bá địa hoàng thang'

Đây chính là bài 'Lục vị địa hoàng thang' gia thêm tri mẫu 08g và hoàng bá 08g, với mục đích tư âm giáng hỏa mạnh hơn, do âm quá hư tổn, hư hỏa bốc lên, với các triệu chứng như: Đạo hãn, cốt chưng, triều nhiệt, gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, bồn chồn, mất ngủ, lưỡi đỏ mất rêu.

Sắc uống 01 thang, chia 02 lần.

Cây và vị thuốc hoàng bá.

2. Một số vị thuốc bổ trợ

- Nếu người bệnh viêm não còn xuất hiện triệu chứng múa giật có thể sử dụng các vị thuốc trấn kinh như thiên ma, ngô công, bạch cương tàm, thuyền thoái.

- Nếu người bệnh di chứng nặng nề sau viêm não hoặc bệnh đã lâu, cần chú ý kiện tỳ, tư âm, phù dương, cứu nghịch; các vị thuốc có thể được sử dụng như phụ tử chế, nhục quế.

- Nếu trường hợp người bệnh có triệu chứng loạn thần, ăn uống khó khăn, có thể sử dụng các vị thuốc: Xương bồ, viễn chí, uất kim để khai khiếu tinh thần.

- Nếu trường hợp người bệnh chân tay co cứng, cử động khó khăn, có thể gia thêm vị thuốc Mộc qua để tăng cường thư cân giải cơ.

Các vị thuốc khác như: Hoàng cầm, hoàng liên, mẫu đơn bì, thạch cao, chi tử, cam thảo, chi tử, trúc diệp, huyền sâm, liên kiều, bạch thược, tri mẫu, cát cánh… có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tả hỏa trong trường hợp đàm nhiệt.

Vị thuốc đơn bì

3. Lưu ý khi sử dụng dược liệu hỗ trợ điều trị di chứng viêm não

Cần lựa chọn các vị thuốc có hàm lượng hoạt chất tốt, được bào chế đúng cách, có độ an toàn cao như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chứa kim loại nặng hay không có chất bảo quản…

Lưu ý một số vị thuốc có tương tác với vị thuốc khác không nên dùng chung như nhân sâm phản với lê lô, cam thảo phản với hải tảo, cam toại, nguyên hoa, bán hạ phản vị xuyên ô, ô đầu, phụ tử…

Sử dụng vị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, nếu có thắc mắc hay gặp các vấn đề phát sinh khi dùng thuốc nên trực tiếp tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, không nên làm theo lời mách bảo hay các thông tin trên mạng internet.

Mời bạn xem tiếp video:

Hà Nội ghi nhận ca nhiễm viêm não Nhật Bản thứ 2 | SKĐS

ThS. BSNT. Ngô Văn Tân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-bai-thuoc-ho-tro-phuc-hoi-di-chung-viem-nao-169231031155122014.htm