35 năm sự kiện Gạc Ma: Điểm đến đặc biệt

Hàng nghìn người dân, thân nhân, đồng đội và cán bộ lực lượng vũ trang đã đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Trong dòng người đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma trong hai ngày 13 và 14/3, có rất nhiều người thân lặn lội từ nhiều miền của đất nước đến viếng anh linh 64 anh hùng chiến sĩ Gạc Ma.

Bà Nguyễn Thị Hường không cầm được nước mắt khi nhìn thấy con tàu chở em trai mình ra đảo Gạc Ma. Ảnh: Công Hoan

Bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi, quê ở Nghệ An, chị ruột của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam) có mặt ở khu tưởng niệm khá sớm, đứng bên cạnh di ảnh em trai, khóe mắt ướt nhòe. Bà kể gia đình có 3 chị em, cha mất sớm và bà là chị cả nên phải chăm sóc các em. Trước khi nhập ngũ, liệt sĩ Nguyễn Tất Nam sợ chị buồn nên không báo, chỉ gửi lại chiếc áo khoác và khăn quàng cổ tặng chị.

Cứ vào dịp tháng 3 hàng năm, bà Nguyễn Thị Hường lại đi xe đò từ Nghệ An vào Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để thắp hương cho em trai cùng đồng đội. Trong lần tới khu tưởng niệm trước đây, bà Hường cũng đã trao bức thư em trai gửi về cho Ban quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma trưng bày tại phòng truyền thống. “Suốt 35 năm qua, tôi chưa lúc nào vơi nỗi nhớ em trai mình. Cứ nghĩ đến chuyện em mình nằm lại nơi biển khơi cùng đồng đội, lòng tôi thấy trĩu nặng. Giờ đây thấy khu tưởng niệm ngày càng khang trang, tôi đã phần nào yên lòng vì biết sự hy sinh của em mình luôn được Tổ quốc và nhân dân ghi nhớ”, bà Hường bùi ngùi nói.

Là con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988), thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (hiện công tác tại Vùng 4 Hải quân) cũng không giấu được xúc động khi đến thắp hương cho bố tại khu mộ gió của Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Anh cho biết mình là người lính từng đi Trường Sa, đi tàu qua nơi cha đã hy sinh. Mỗi lần qua vùng biển gần đảo Gạc Ma, anh rất tự hào trước sự hy sinh vì Tổ quốc của cha và đồng đội. “Điều mà tôi muốn gửi tới cha là ông hãy thanh thản, yên lòng vì tôi và các đồng đội vẫn đang góp phần xây dựng, bảo vệ vùng biển Trường Sa”, thiếu tá Xuân tự hào nói.

Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, trong những người đến tưởng niệm chiến sĩ Gạc ma, có hơn 1.000 đồng đội, thân nhân của các liệt sĩ đến từ mọi miền đất nước. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong cả nước xác định Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với các địa danh truyền thống.

CÔNG HOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/35-nam-su-kien-gac-ma-diem-den-dac-biet-post1517585.tpo