3,5 triệu USD của Phan Sào Nam ở Singapore 'bốc hơi' vì sao?
Phan Sào Nam có khoản tiền 3,5 triệu USD gửi tại Ngân hàng Bank Of Singapore cần thi hành án. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang gặp khó khi thu hồi do số tiền này không còn trong ngân hàng của Singapore từ trước khi Tòa tuyên án.
Mới đây, báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ về thi hành án dân sự đối với ông Phan Sào Nam – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online, một trong hai ông “trùm” đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua game bài Rikvip/Tip.Club cho biết, đến ngày 10/9, Phan Sào Nam còn phải thi hành án số tiền 13,2 tỷ đồng và khoản tiền 3,5 triệu USD gửi tại Ngân hàng Bank Of Singapore ở Singapore.
3,5 triệu USD của Phan Sào Nam ở Singapore “bốc hơi”?
Theo bản án phúc thẩm hồi tháng 3/2019, ngoài mức án 5 năm tù giam về các tội tổ chức “đánh bạc” và “rửa tiền”, Phan Sào Nam còn bị buộc nộp lại số tiền hơn 929 tỷ đồng; tịch thu, sung công quỹ số tiền hơn 548 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền 1.475 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2019, Phan Sào Nam đã thi hành được số tiền 1.346 tỷ đồng, khoản còn lại trên 160 tỷ đồng. Trong thời gian Phan Sào Nam chấp hành án tại Trại giam Quảng Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã bán tài sản là 5 ô tô bị kê biên, thu được hơn 5 tỷ đồng. Do đó, Phan Sào Nam còn phải thi hành số tiền hơn 155 tỷ đồng, gồm truy thu số tiền hơn 75,5 tỷ đồng và 3,5 triệu USD, tương đương số tiền 79,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay cơ quan thi hành án đang gặp khó trong việc xác minh số tiền 3,5 triệu USD trên. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng đều tuyên thu hồi khoản tiền 3,5 triệu USD đứng tên Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Bank Of Singapore. Qua quá trình xác minh, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định số tiền này không còn trong ngân hàng của Singapore từ trước khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án.
Vì vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án khoản tiền 3,5 triệu USD và đang đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với nội dung liên quan đã tuyên trong bản án phúc thẩm.
Đối với khoản tiền 13,2 tỷ đồng còn lại, cơ quan thi hành án đã xác minh và phát hiện Phan Sào Nam sở hữu bất động sản là biệt thự ở dự án Golden Hills City, khu A, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Sau thời gian vận động, Phan Sào Nam đã có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ xử lý một thửa đất tại số 26 tờ bản đồ số B2-36 thuộc dự án Golden Hills City (Đà Nẵng) đứng tên Phan Sào Nam và vợ là bà Nguyễn Thị Tâm Chuyên để thi hành án.
Trên cơ sở thống nhất với VKSND Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) để xử lý bất động sản này theo quy định.
Có tẩu tán tài sản hay không?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu số tiền 3,5 triệu USD là tài sản do phạm tội mà có, việc tòa án tuyên tịch thu là có căn cứ pháp luật. Số tiền gần 80 tỷ đồng này là rất lớn, nếu có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì đây là sự việc rất nghiêm trọng.
Luật sư Cường cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án này, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp để niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản là những tài sản do phạm tội mà có hoặc là vật chứng của vụ án hình sự theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự.
Đối với tài sản ở nước ngoài có liên quan đến tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông qua cơ quan tư pháp, cơ quan ngoại giao, lãnh sự để thực hiện các biện pháp ủy thác tư pháp, căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp hoặc các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia về hoạt động tư pháp để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Trong vụ án này, bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng đều tuyên thu hồi khoản tiền 3,5 triệu USD (tương đương khoảng 80 tỷ đồng) đứng tên Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Bank Of Singapore. Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh từ phía cơ quan chức năng Singapore đã phát hiện khoản tiền 3,5 triệu USD này không còn từ trước khi TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thông tin về số tiền này thể hiện trong hồ sơ vụ án như thế nào, các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đối với số tiền này như thế nào, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để yêu cầu ngân hàng Singapore phong tỏa số tiền này chưa? Ai là người đã chuyển số tiền này ra khỏi tài khoản đó và số tiền này hiện đang ở đâu? Sau khi khởi tố vụ án, bị can bị tạm giam, vậy không có chữ ký của bị can làm thế nào có thể rút được số tiền đó ra khỏi tài khoản ngân hàng nước ngoài, liệu có hành vi cấu kết, móc nối hoặc làm giả các chứng từ để giúp số tiền đó ra khỏi ngân hàng hay không?
Luật sư Cường đánh giá, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến việc giải quyết vụ án cũng như để đảm bảo công bằng trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã rút số tiền này ra để tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ theo bản án, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Người có vụ nghĩa vụ theo bản án cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mời độc giả xem thêm video Trốn dịch lên đồi đánh bạc, 8 đối tượng bị bắt quả tang: