20 năm - một hành trình không ngừng phát triển

Sáng ngày 9/8 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (TTBDNVBC). Cũng trong dịp này, Trung tâm đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.

Các đồng chí Đại biểu, khách mời tham dự làm lễ chào cờ. Ảnh: Sơn Hải

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đến tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Hội Nhà báo Việt Nam ,các Hội Nhà báo địa phương, các liên chi hội, các Trường Đào tạo báo chí - truyền thông.

Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá cao những thành tích mà Trung tâm BDNVBC đã đạt được trong 20 năm qua.

Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm Trung tâm tổ chức 100 lớp cho khoảng 2500 lượt hội viên. Đây là những con số hết sức ấn tượng, là sự nỗ lực lớn của tập thể cán bộ Trung tâm, mặc dù số lượng cán bộ của Trung tâm không nhiều, các giảng viên đều là kiêm nhiệm, hoạt động trong điều kiện kinh phí rất hạn hẹp”- đồng chí Thuận Hữu nói.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, truyền thông phát triển đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu mới trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Để nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên, nhà báo, đồng chí Thuận Hữu đề nghị lãnh đạo và cán bộ Trung tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Một là, tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí. Trung tâm cần mở các lớp học chuyên sâu để nâng cao bản lĩnh cách mạng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí, thường xuyên mở các cuộc hội thảo, tọa đàm bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên - nhà báo.

Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm cần thường xuyên khảo sát, phân tích nhu cầu đào tạo để mở các lớp học đáp ứng nhu cầu người học và những yêu cầu thực tiễn của các cơ quan báo chí.

Đi đôi với bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí cho hội viên cũng cần được chú trọng bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao; Tiếp tục phối hợp với các Ban, đơn vị của Hội, các cấp Hội nhằm đảm bảo điều kiện tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các ban, đơn vị của Trung ương Hội tổ chức tốt các lớp học từ nguồn kinh phí Ngân sách nhà nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, khai thác thêm các nguồn thu khác để mở thêm các khóa bồi dưỡng ngoài ngân sách.

Ba là, tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và giảng viên của Trung tâm. Trung tâm cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và tìm kiếm những nhà báo giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và sẵn sàng truyền lửa cho các nhà báo trẻ.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện và phát triển các cán bộ của Trung tâm để mỗi người đều có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, gắn bó với nghề, và hết lòng vì sự nghiệp báo chí của đất nước.

Bốn là, làm tốt công tác tham mưu, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục giữ gìn và khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm nhằm thực hiện công tác bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xây dựng môi trường học tập hứng thú, thân thiện và hợp tác.

Năm là, tiếp tục xây dựng và mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc TTBDNVBC gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí qua các thời kỳ.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Hằng cho biết sau 20 năm, TTBDNVBC đã trở thành một cơ sở bồi dưỡng các nhà báo tiếp tục nâng cao nghiệp vụ báo chí có qui mô lớn nhất cả nước, cung cấp các khóa bồi dưỡng đa kỹ năng, đa loại hình; đã tập hợp được một đội ngũ giảng viên hùng mạnh đáp ứng nhu cầu của các cơ quan báo chí xuyên suốt chiều dài đất nước.

Đồng thời, đồng chí Đinh Thị Thúy Hằng chia sẻ rằng Trung tâm đã có những thành công lớn ở tuổi 20, tuy nhiên đây mới chỉ là tiền đề. Trong thời gian tới Trung tâm cần tiến bước mạnh hơn nữa trước những thách thức mới của thời kỳ truyền thông số.

Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Ảnh: Hoàng Huy

"Cán bộ Trung tâm cần phải luôn rèn luyện trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ báo chí; cần phải học thêm ngoại ngữ để tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới, để có thể vươn tới tầm nhìn trở thành trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của khu vực Đông Nam Á" - đồng chí Đinh Thị Thúy Hằng khẳng định.

Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ra đời ngày 04/8/1999, theo Quyết định số 02/1999/QĐ-TCCP, ngày 06 tháng 3 năm 1999 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), với sứ mệnh bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam, thực hiện các công trình nghiên cứu về nghiệp vụ báo chí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm báo, góp phần tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của nền báo chí Cách mạng Việt Nam và sự hội nhập của báo chí Việt Nam trên trường quốc tế.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên cập nhật các kiến thức, kỹ năng và xu hướng báo chí mới. Đội ngũ giảng viên của Trung tâm là những nhà báo, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong 20 năm qua, Trung tâm đã tổ chức được 1015 lớp bồi dưỡng về tất cả các loại hình và thể loại báo chí, trong đó có 217 lớp học phối hợp với các dự án nước ngoài (tính đến hết tháng 7/2019) cho 23.000 hội viên -nhà báo trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Hiện nay, Trung tâm được tổ chức thành 02 Phòng và có 10 thành viên bao gồm: 01 Giám đốc kiêm nhiệm, 01 Trưởng phòng, 02 Phó phòng; 06 chuyên viên. Toàn bộ đội ngũ giảng viên của Trung tâm là kiêm nhiệm, với số lượng từ 80 - 90 người. Họ là các cán bộ quản lý, nhà báo, phóng viên, biên tập viên kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm được trang bị 01 studio truyền hình, 01 studio phát thanh, 01 phòng máy tính đa phương tiện và các phòng học, phòng hội thảo

Từ tháng 6 năm 2014, Trung tâm được chuyển về tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam tại đường Dương Đình Nghệ, tại đó, ngoài các phòng làm việc, Trung tâm được trang bị 01 studio truyền hình, 01 studio phát thanh, 01 phòng máy tính đa phương tiện và các phòng học, phòng hội thảo.

Để tạo điều kiện để các nhà báo Việt Nam tiếp cận với báo chí thế giới hiện đại, trong những năm qua, Trung tâm luôn chú trọng mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Viện KAS (CHLB Đức), Viện Đào tạo bồi dưỡng báo chí FOJO (Thụy Điển), Phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Mỹ, Đại học báo chí Lille (Pháp), Hiệp hội Báo chí Thế giới và Xuất bản tin (WAN-IFRA), Hiệp hội Báo chí Khoa học Thế giới (WFSJ).

Khẳng định được vị thế và uy tín của mình, là một trong những Trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu tại Việt Nam. Cũng tại buổi lễ, Trung tâm đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ cho bà Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Ảnh: Hoàng Huy

Trước đó, Trung tâm được nhận Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005), Huân chương lao động Hạng Ba (năm 2014) và liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Hoàng Huy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/20-nam--mot-hanh-trinh-khong-ngung-phat-trien-post66340.html