2.500 giáo viên viết tâm thư mong bỏ thi thăng hạng, Sở Nội vụ Hà Nội nói gì?
Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết đã nhận được tâm thư của gần 2.500 giáo viên Hà Nội bày tỏ mong muốn bỏ việc phải thi mới được xét thăng hạng, tăng lương.
Gần đây, thông tin nhiều giáo viên ở Hà Nội gửi tâm thư đến Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và UBND TP Hà Nội đề đạt nguyện vọng mong được xét (không phải thi) thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, gần 2.500 giáo viên có tâm thư chia sẻ sẽ thiệt thòi nếu như Hà Nội tổ chức thi tuyển để thăng hạng giáo viên, trong khi một số địa phương khác giáo viên được xét thăng hạng, không phải qua thi tuyển.
Trao đổi với VietNamNet ngày 7/8, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết Sở đã nhận được tâm thư của các giáo viên Hà Nội.
“Thời điểm này, chúng tôi đang trong quá trình tổng hợp danh sách từ các sở, ban, ngành, quận, huyện đăng ký để chuyển hạng CDNN. Song, hiện nay, chưa có chủ trương tổ chức thi hay xét thăng hạng. Nội dung này đang được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về luật cán bộ, công chức và Thông tư của Bộ Nội vụ; chưa có thay đổi”, ông Cảnh nói.
Ông Cảnh cho biết thêm đã nắm được tinh thần Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ nhất trí việc bỏ thi thăng hạng CDNN. Tuy nhiên, theo ông Cảnh đó mới chỉ là chủ trương, còn hiện nay chưa có thay đổi theo thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Do đó, việc thi hay xét thăng hạng CDNN giáo viên, Sở Nội vụ Hà Nội không thể tự quyết.
Về vấn đề này,Bộ GD-ĐT đã thông tin các quy định về tiêu chuẩn CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đồng thời, quy định cũng thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Việc thăng hạng CDNN từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét.
Việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật.
Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 và Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng.
Trước đó, gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư bày tỏ mong muốn bỏ thi xét thăng hạng CDNN. Bởi theo họ, thăng hạng CDNN vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi.
“Cùng xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cùng nỗ lực cống hiến cho ngành giáo dục, nhưng bạn tôi ở các tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, tăng lương, trong khi chúng tôi ở Thủ đô phải thi đạt mới được thăng hạng”, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho biết.
Cùng với thầy Đường là gần 2.500 giáo viên ký vào đơn thư gửi lãnh đạo các cấp, trong số này gần 50% là các giáo viên thuộc thế hệ 6X, 7X. Thầy giáo này cho rằng, nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những đối tượng là giáo viên đã lớn tuổi.
“Nhiều thầy cô trong số này là giáo viên giỏi cấp cụm, thành phố, là chiến sĩ thi đua, cán bộ giàu năng lực… được khẳng định trong thực tiễn công tác, nhưng vì tuổi đã cao, trình độ tiếng Anh đã mai một nhiều, có thể sẽ không được thăng hạng nếu chẳng may sơ suất khi thi. Điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn cho sự nỗ lực nhiều năm của họ”, thầy giáo này nói.
Nhiều giáo viên khác cũng cùng chung nguyện vọng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên. Bởi họ cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng cho giáo viên chính là những đóng góp cho ngành giáo dục.
Chưa kể, công sức, thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.
Từ những lý do này, gần 2.500 giáo viên mong muốn Hà Nội bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ xét thăng hạng nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.