14 triệu người có thể thiệt mạng nếu USAID bị đóng cửa
Việc cắt giảm sâu chi phí đối với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cũng như nguy cơ giải thể cơ quan này, có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ, thậm chí gây ra đến 14 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới vào năm 2030, theo báo cáo mới đây của tạp chí y khoa The Lancet.

Ảnh minh họa Reuters.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm mạnh ngân sách dành cho USAID, cũng như các chương trình của cơ quan này trên toàn thế giới. Theo chính quyền Mỹ, hoạt động của cơ quan này gây ra lãng phí ngân sách.
Nhiều chuyên gia ủng hộ nhân quyền đã cảnh báo về những hậu quả của việc cắt giảm ngân sách đối với USAID. Họ cho rằng cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện y tế toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến các nước có thu nhập trung bình và thấp ở châu Phi.
Nghiên cứu của The Lancet ước tính rằng trong vòng hai thập kỷ qua, các chương trình của USAID đã giúp ngăn ngừa 91 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới, bao gồm 30 triệu trường hợp là trẻ em.
Các số liệu cũng chỉ ra rằng việc cắt giảm sâu ngân sách hiện nay, cùng với nguy cơ giải thể cơ quan này, có thể gây ra 14 triệu ca tử vong từ nay đến năm 2030, trong đó có 4,5 triệu trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi.
Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế, theo Liên Hợp Quốc. Nước này cũng đã giải ngân tới 61 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài vào năm ngoái, một nửa trong số đó được sử dụng thông qua các chương trình của USAID.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi tháng 3 cho biết chính phủ Mỹ đã hoãn hơn 80% chương trình của USAID. Khoảng 1.000 chương trình còn lại sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Ngoại giao và Quốc hội.