113, 115... bị quấy rối nhưng khó xử lý
Việc phát hiện, xử lý gặp khó bởi đa số người gây rối dùng SIM rác, sử dụng một lần rồi bỏ.
Theo cơ quan chức năng, mỗi ngày có gần trăm cuộc điện thoại gọi đến các đầu số 113 (lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh - Công an TP Đà Nẵng) và 115 (Trung tâm Cấp cứu TP Đà Nẵng) với nội dung quấy rối, trêu đùa.
Gọi điện thoại quấy rối, chuyện thường ngày
Tại Trung tâm Cấp cứu 115, có đến ba điện thoại bàn với ba đường dây đấu nối khác nhau nhưng các máy liên tục đổ chuông. Chị Trịnh Thị Kim Loan, nhân viên trực tổng đài, cho biết trong số các cuộc gọi đến thì có đến 30% là quấy rối, chọc phá. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại gọi đến quậy phá, trêu ghẹo. Có người say rượu chửi bới, lăng mạ nhân viên y tế. Nhiều trường hợp bấm số nhưng không nói gì, mình cúp máy thì họ lại chuyển sang chế độ tự động gọi lại”. Vào những ca trực của nhân viên nữ thì số cuộc gọi đến quấy rối càng nhiều. “Họ gọi đến vờ hỏi chuyện rồi tán tỉnh, trêu ghẹo, nói lời tục tĩu. Nhiều chị em thẹn đỏ tím mặt nhưng chỉ biết cúp máy, không dám nói gì” - chị Loan nói.
Ngoài việc quấy rối, nhiều đối tượng còn thông báo tin cấp cứu giả. BS Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, kể: “Nhiều lần chúng tôi nhận được điện thoại báo cấp cứu, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Kíp trực vội vã lên đường nhưng khi đến nơi mới biết tin báo giả”. BS Hồng bức xúc: “Người dân nhiều lần than phiền với chúng tôi vì sao đường dây nóng 115 luôn nghẽn mạch? Nguyên nhân là do các cuộc gọi điện quấy phá quá nhiều”.
Tại Trung tâm Chỉ huy cảnh sát - Công an TP Đà Nẵng, đường dây nóng 113 luôn nóng ran vì các cuộc gọi báo tin liên quan đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, nhiều cuộc gọi đến với mục đích chọc phá, chửi bới. Theo một chiến sĩ trực tổng đài, số 113 bị gọi quấy rối xảy ra như cơm bữa. Để dẫn chứng, anh mở cho chúng tôi nghe hàng chục cuộc hội thoại gọi đến trung tâm được ghi âm lại với những lời lẽ thô tục, vô văn hóa.
Khó xử lý!
BS Nguyễn Tấn Phó, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng, nhận định: “Tình trạng gọi điện thoại quấy rối tổng đài 115 đã xảy ra nhiều năm nay nhưng không thể xử lý. Nhiều đầu số gọi đến gần cả ngàn cuộc điện thoại để chọc phá, báo tin giả, gây khó khăn cho kíp trực cấp cứu. Trong hai năm qua, trung tâm mới chỉ phát hiện một thủ phạm gọi gần một ngàn cuộc quấy rối và công an đã xử phạt hành chính”.
Theo Thượng tá Nguyễn Hải Thuận, Phó Chánh Văn phòng Công an TP Đà Nẵng, việc xử lý những số điện thoại quấy rối rất khó, bởi đa số máy gọi đều dùng SIM rác (SIM không đăng ký thuê bao) nên xác minh gặp khó khăn. Để đối phó trò phá bĩnh, cơ quan công an đã cài phần mềm hiển thị nhận biết, theo đó, những đầu số thường xuyên gọi quấy rối sẽ bị ngăn chặn. Cũng theo ông Thuận, cơ quan công an đã đề nghị các nhà mạng phải quản lý chặt các thuê bao, không để tồn tại SIM rác. Trong thời gian qua, ở TP Đà Nẵng mới chỉ có một trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính vì hành vi quấy rối tổng đài 113.
Đối với hành vi liên tục gọi đến số máy cơ quan nhà nước như 113, 115… để trêu chọc, quậy phá có thể xem xét, xử lý như hành vi gây rối trật tự công cộng. Tổng đài 113 là nơi tiếp nhận các thông tin tố giác tội phạm. Những người trực tổng đài đang thi hành công vụ. Do đó, các hành vi gọi điện thoại quấy rối, chọc phá có thể bị xem xét, truy cứu về tội chống người thi hành công vụ. Trường hợp các đối tượng gọi điện thoại trêu ghẹo, buông lời tán tỉnh, xúc phạm danh dự của các nhân viên y tế trực tổng đài 115, nếu ghi âm lại được thì có thể cung cấp cho cơ quan công an làm cơ sở xem xét truy cứu với tội danh làm nhục người khác.
Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/113-115-bi-quay-roi-nhung-kho-xu-ly-323371.html