YouTube bắt đầu gỡ bỏ video điều trị ung thư sai sự thật
Ngày 15/8, YouTube thông báo chính sách mới nhằm chống lại thông tin y tế sai sự thật trên nền tảng này, bao gồm video điều trị ung thư không chính xác.
Trên blog mới nhất, YouTube cho biết sẽ đơn giản hóa hướng dẫn hiện nay và xếp thành ba mục: phòng ngừa, điều trị và từ chối. Để làm được như vậy, nền tảng sẽ xóa bỏ nội dung xung đột với các hướng dẫn từ các nhân viên y tế về các chủ đề như Covid-19, sức khỏe sinh sản, ung thư, chất có hại…
Mục tiêu của YouTube là bảo đảm khi xét đến các lĩnh vực đồng thuận khoa học đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, công ty không phải là nền tảng phân phối thông tin gây hại cho mọi người, dù một số hướng dẫn y tế cụ thể có thể thay đổi theo thời gian.
Trước đây, YouTube phải vật lộn để quản trị nội dung do người dùng tải lên. Một cựu nhân viên quản trị YouTube đã kiện công ty vào năm 2020 và cáo buộc nhiều nhân viên chỉ có kinh nghiệm dưới 1 năm, luôn thiếu nhân sự. Kết quả là nền tảng phải chạy đua để xóa các bài viết vi phạm chính sách.
YouTube sẽ xác định một điều kiện có phù hợp với chính sách y tế mới của mình không bằng cách đánh giá nó có phải rủi ro y tế công cộng cao, dễ trở thành đối tượng của thông tin sai sự thật hay không. Công ty nêu ví dụ bệnh ung thư vì mọi người thường tìm lời khuyên từ các nền tảng như YouTube sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Điều đó đồng nghĩa nội dung không khuyến khích người dùng điều trị hay quảng bá các phương pháp điều trị chưa được chứng minh sẽ bị xóa bỏ, chẳng hạn video khuyến khích người dùng bổ sung vitamin C thay cho xạ trị.
Tuy nhiên, nội dung được công chúng quan tâm có thể vẫn tồn tại ngay cả khi vi phạm chính sách mới. Chẳng hạn, nếu một ứng cử viên chính trị tranh luận về hướng dẫn y tế chính thức hoặc phiên điều trần chứa thông tin không chính xác, YouTube sẽ không xóa nội dung. Công ty sẽ bổ sung bối cảnh cho video để người xem nắm rõ hơn.
Khi chưa có chính sách y tế mới, YouTube đã có hành động đối với thông tin sai sự thật về vaccine như gỡ quảng cáo trên các video thuyết âm mưu “bài vaccine”, xóa video chứa thông tin sai sự thật về vaccine Covid-19 từ tháng 10/2020 và cấm thông tin sai sự thật về vaccine từ cuối năm 2021. Nền tảng còn chống lại các video dường như gây hại như video cung cấp hướng dẫn phá thai, quảng bá sai về an toàn khi phá thai.
(Theo CNBC, The Verge)