Ý tưởng tuyệt vời!
Cách đây mấy năm, nhà báo QH ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (nay là VTV8) đến mua đất, làm nhà và trở thành hàng xóm của tôi. Thỉnh thoảng, thấy bố mẹ vợ anh từ Thanh Hóa vào thăm, mỗi lần như thế, có khi ông bà ở lại đến vài tuần. Bố vợ anh QH tuổi cỡ ngoài 70, ông hay sang tôi hỏi mượn sách về đọc. Đưa cho ông mượn các cuốn sách về Huế, ông rất thích. Mang về đọc rất kỹ và cũng rất nhanh để còn… mượn cuốn khác. Ở trong Nam, tôi có thằng cháu đang học phổ thông cũng vậy, hễ có dịp được ra thăm và ghé nhà tôi chơi là lục lọi, tìm mấy cuốn sách viết về Huế và kiếm một góc ngồi đọc say sưa, mặc ai làm gì thì làm.
Có lẽ cũng vì sức hút của sách Huế mà mấy năm trước, lãnh đạo tỉnh đã quyết định xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm sưu tập, bảo tồn những đầu sách, cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán; giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc; đồng thời hướng đến xây dựng món quà tặng của người Huế tặng cho khách đến thăm - Đó là món quà quý và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính vì thế, đề án “Tủ sách Huế” đã chạm đến trái tim của giới trí thức, giới nghiên cứu và của những người yêu Huế. Tiếc là nhiều người muốn nhưng chưa có cơ hội để sở hữu những đầu sách trong “Tủ sách Huế”, đơn giản đó là “sách không bán”. Người có nhu cầu chỉ có thể tiếp cận để đọc ở các thư viện, các điểm phục vụ cộng đồng, chứ để được thủ đắc chưng bày trong tủ sách gia đình, hay mua làm quà cho bạn bè thân hữu thì không có nguồn. “Lan tỏa Tủ sách Huế: Sao không đưa ra thị trường?” là tít của một bài báo, đồng thời cũng là mong mỏi của không ít người yêu sách, yêu văn hóa Huế hiện nay.
Trong lúc hy vọng không xa nữa, niềm mong mỏi dễ thương và chính đáng ấy sẽ được lắng nghe, đáp ứng, thì trên trang FB cá nhân của Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định xuất hiện một status đầy hấp lực. Ông Định cho hay, thành phố đang triển khai ý tưởng thiết lập một thư viện sách chuyên đề về Huế, bao gồm sách viết về Huế và sách do các tác giả người Huế viết. Đó không chỉ là nơi đọc sách mà còn có các không gian để các tác giả giới thiệu, trao đổi; là tiền đề cho việc hình thành nên công viên/không gian sách; xa hơn là tạo dựng “Ngôi nhà Huế” – Một không gian mở cho tất cả mọi người gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tình yêu với Huế và tìm hiểu về Huế. “Ngôi nhà” sẽ đặt tại 23 - 25 Lê Lợi, nơi có 2 ngôi biệt thự kiến trúc Pháp lâu đời và tuyệt đẹp của Huế.
“Mọi người giới thiệu giúp thành phố các danh mục sách viết về Huế; mong các tác giả Huế cho phép được tiếp cận danh mục sách của mình để (thành phố) có thể bàn bạc đưa vào không gian này…” - Lời kêu gọi ấy trên trang FB của ông Định lập tức tạo được sự hưởng ứng và lan truyền một cách nhanh chóng. Nhiều người góp ý nên có thêm hoạt động này, hoạt động khác bổ trợ để “Ngôi nhà Huế” có sức hấp dẫn bền vững với đủ các giới, các lứa tuổi, các nhu cầu khác nhau; trong đó có cả đáp ứng nhu cầu được sở hữu những bộ sách hay, sách quý về Huế, hay rộng hơn là nhu cầu lan tỏa “Tủ sách Huế ra thị trường” như tiêu đề của bài báo mà chúng tôi đã dẫn.
Một “Ngôi nhà Huế” dễ thương, đầy chữ nghĩa soi bóng bên dòng Hương thơ mộng, mới nghĩ chừng ấy thôi, đã mong nó nhanh chóng hiện hữu đến nhường nào.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/y-tuong-tuyet-voi-142180.html