Xung đột kéo dài, thêm 1,8 triệu người Ukraine rơi vào cảnh nghèo đói
Số người Ukraine sống trong cảnh nghèo đói đã tăng thêm 1,8 triệu người kể từ năm 2020, nâng tổng số người nghèo chiếm khoảng 29% dân số khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào năm 2022 tiếp tục tàn phá nền kinh tế nước này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo mới công bố.
Theo Giám đốc WB khu vực Đông Âu, ông Arup Banerji, xung đột kéo dài khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều nếu Ukraine không nhận được hỗ trợ ngân sách nước ngoài để trả lương và lương hưu.
Ông Arup Banerji nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ, không tập trung nguồn lực dành riêng cho những chi tiêu xã hội thì Kiev sẽ có thêm 3 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói”.
Báo cáo của WB dựa trên các cuộc khảo sát qua điện thoại hằng tháng với 2.000 hộ gia đình đã ước tính khoảng 9 triệu người Ukraine đang sống trong cảnh nghèo đói vào năm ngoái. Tổng dân số cả nước hiện nay vào khoảng 32 triệu người. Báo cáo cho biết, tỷ lệ nghèo đói gia tăng là do việc làm giảm sút, với hơn 1/5 số người trưởng thành trước cuộc xung đột đã bị mất việc làm.
Báo cáo lưu ý, gần ¼ dân số Ukraine được khảo sát không có đủ tiền để mua thực phẩm vào một thời điểm nào đó trong 6 tháng năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi và lạm phát chậm lại đã giúp cải thiện an ninh lương thực trong nửa cuối năm.
Theo ông Arup Banerji, việc Mỹ thông qua khoản tài trợ mới cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn giúp nước này có khả năng tiếp tục duy trì các khoản thanh toán lương, lương hưu và trợ cấp xã hội.
Báo cáo cho thấy, 85-92% phòng khám y tế ở Ukraine vẫn hoạt động bình thường vào năm 2023, bất chấp các cuộc tấn công liên tục của Nga, đồng thời 89% trẻ em trong độ tuổi 6-18 vẫn đi học và 72% số học sinh đó đang học trực tuyến.
Trong diễn biến liên quan, người đứng đầu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg yêu cầu các đồng minh cam kết tối thiểu 40 tỷ euro (43,37 tỷ USD) hằng năm để viện trợ quân sự cho Ukraine, khi các ngoại trưởng NATO tham dự một cuộc họp ở Praha, Cộng hòa Séc, Reuters dẫn nguồn tin quen thuộc cho biết.
Với sự hỗ trợ trong tương lai không chắc chắn của Mỹ dành cho Ukraine do khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngày 31-5, các Ngoại trưởng NATO sẽ thảo luận về cách đưa viện trợ quân sự cho Ukraine vào một nền tảng dài hạn vững chắc hơn.
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đưa ra các chi tiết về gói hỗ trợ Ukraine, dự kiến sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington từ ngày 9 đến 11-7. Gói này cũng sẽ bao gồm những thay đổi trong cách tổ chức cung cấp vũ khí và đạn dược.
Nguồn tin của NATO cho biết: “Chúng tôi cần duy trì hỗ trợ hiện tại ở mức tối thiểu để mang lại khả năng dự đoán mà Ukraine cần trong thời gian cần thiết”, đồng thời cho biết thêm, các đồng minh đã cung cấp khoảng 40 tỷ euro mỗi năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022.