Xúc động ngày giỗ chung các liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Đồng Di
Cứ đến Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 hàng năm, Hội Thân nhân liệt sỹ thôn Đồng Di và người dân trong thôn lại tổ chức giỗ chung cho các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc làm này đã được gìn giữ hàng chục năm qua.
Thôn có gần 100 liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng
"Không đi Chính phủ tình nghi/ Đi thì sợ lính Đồng Di, Tây Hồ", hai câu thơ này được người dân thôn Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc nằm lòng và vẫn tự hào đọc lên mỗi khi nhắc đến tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương của những người lính cách mạng là con em địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ông Lê Quang Pháp (84 tuổi), Trưởng Ban đại hiện Hội Thân nhân liệt sỹ thôn Đồng Di cho biết, toàn thôn Đồng Di hiện tại có khoảng 120 hộ dân thì có đến 77 liệt sỹ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến và 1 liệt sỹ hy sinh trong thời bình. Có 20 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số này, 1 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được đặt tên đường tại trung tâm thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang. Đặc biệt, trong đó có người vừa là liệt sỹ vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có những gia đình có đến 5, 6 người thân đều là liệt sỹ.
Đã thành thông lệ, gần 20 năm nay, cứ đến Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, Hội Thân nhân liệt sỹ thôn Đồng Di và người dân trong thôn lại tổ chức giỗ chung cho các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Đinh Như Tài (77 tuổi), người dân trong thôn kể, trước đây bà con tổ chức ngày giỗ theo quy mô gia đình. Mãi sau này, khi gia đình các liệt sỹ có cơ hội gặp nhau thành lập Hội Thân nhân liệt sỹ thì việc lo cho những người đã khuất trở thành việc chung, được tiến hành có quy mô hơn.
Những năm đầu khi mới thành lập hội, mỗi gia đình thay phiên nhau đăng cai tổ chức lễ giỗ. Ngày giỗ, các thành viên trong hội cùng nhau đóng góp nải chuối, con gà, buồng cau, ký nếp,… Nhà nào có chút điều kiện thì hỗ trợ tiền thuê rạp, bàn ghế. Đến năm 2012, bà con đã vận động nhau dựng nhà bia đặt ngay bên cổng làng. Trên bia có khắc đầy đủ họ tên và một bài văn để ghi nhớ, tri ân đóng góp hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sỹ của thôn Đồng Di. Từ đó, ngày hiệp kỵ mỗi năm cũng được đưa ra tổ chức trang trọng tại đây và đã trở thành ngày lễ lớn của dân làng.
"Chiến tranh đi qua, nhiều liệt sỹ của thôn Đồng Di hôm nay có đến 2 ngày giỗ là ngày họ nằm xuống và ngày giỗ chung do Hội thân nhân liệt sỹ và bà con trong thôn tổ chức, đúng vào Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Ngày giỗ chung này không chỉ là dịp để những người đang sống thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" mà còn thêm phần thấu hiểu những hy sinh mất mát của các thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, càng trân quý hơn giá trị của hòa bình", ông Đinh Như Tài chia sẻ.
Vun đắp tình đoàn kết xóm làng
Sáng ngày 27/7, rất đông người dân đã có mặt tại Nhà bia tưởng niệm của thôn Đồng Di từ sớm. Không ai bảo ai, mỗi người một tay cùng sắp xếp bàn ghế, lễ vật chuẩn bị mâm giỗ cho các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hàng năm, cứ vào ngày này, người thân của các liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thôn dù ở xa hay ở gần đều thu xếp công việc, tập trung về đây để lo cho công việc chung. Bà con trong và ngoài địa phương cũng đến tham dự. Trước là thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất. Sau là ngồi lại với nhau để ôn lại những câu chuyện truyền thống quê hương, vun đắp thêm tình cảm, đoàn kết xóm làng. Trong câu chuyện của mỗi người đều tỏ rõ sự xúc động xen lẫn tự hào mỗi khi kể về người thân.
Chuyển vào TPHCM sinh sống đã lâu, năm nay, ông Lê Huấn (76 tuổi) cùng vợ vừa kịp trở về quê để dự lễ giỗ chung của bố là liệt sỹ Lê Quang Giáo cùng những liệt sỹ khác trong thôn. Ngoài bố là liệt sỹ, nhiều người thân khác của ông Huấn trong dòng họ cũng có tên trên bia tưởng niệm của thôn Đồng Di. Ngày giỗ chung cũng là dịp để những người con xa quê như ông Huấn quay về để tìm hơi ấm tình thân bên bà con, lối xóm.
Chậm rãi lần tìm tên từng người thân trên bia đá, ông Huấn bùi ngùi: "Bản thân tôi rất tự hào, xúc động và biết ơn những người đã nằm xuống, trong đó có những người thân của tôi để tôi và mọi người có được như ngày hôm nay. Hy vọng rằng, thế hệ con cháu, lớp trẻ sau này sẽ luôn ghi nhớ công ơn, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống để tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Là một trong những người đến từ sớm, bà Nguyễn Thị Minh Tiệp (73 tuổi), thân nhân của liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Dương Quang Đấu chia sẻ, năm nào gia đình bà cũng sắp xếp để về dự lễ giỗ chung tại thôn Đồng Di. Và lần nào trong bà cũng mang nhiều cảm xúc. Theo bà Tiệp, liệt sỹ Dương Quang Đấu hy sinh chỉ đúng 10 ngày trước ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế, khi đó ông vẫn chưa có gia đình. Nhiều liệt sỹ ở thôn Đồng Di cũng như vậy.
"Tôi mong rằng việc giỗ chung này sẽ tiếp tục được duy trì hàng năm để anh linh các anh hùng liệt sỹ được yên nghỉ, những người đã ngã xuống cho quê hương dù có người thân hay không có người thân đều được ghi nhớ công ơn và được chăm lo hương khói đầy đủ", bà Tiệp nói.