Xuất khẩu nông sản: Bắt tín hiệu thị trườngđể gia tăng giá trị
Dù bức tranh xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay có nhiều điểm sáng, song để cán đích mục tiêu 55 tỷ USD năm 2023 là việc không dễ.
Mục tiêu này đòi hỏi ngành nông nghiệp linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với chính sách của các quốc gia nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ DN ký kết đơn hàng mới song song với gỡ khó, vượt rào cản.
Giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu lập kỷ lục
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi nhóm thủy sản và nhóm lâm sản đều giảm tới trên 25,5% thì nhóm nông sản xuất khẩu thu về xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này có được là nhờ giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng mạnh 68,1%; gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%.
Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh, lập kỷ lục lịch sử. Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tháng 7/2023 ghi nhận mức cao kỷ lục đạt 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá hạt tiêu và sắn cùng xu hướng tăng mạnh.
Trong tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.731 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 494,9 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2023 và tăng 9,2% so với tháng 7/2022.
Nổi bật nhất phải kể đến mặt hàng gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục lịch sử khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Chỉ trong vòng 20 ngày, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của nước ta lần lượt tăng lần lượt 19,7% và 20,5%.
Một mặt hàng nữa không thể không nhắc tới là trái dừa sọ của Việt Nam được cấp “visa” sang Mỹ. Ngay khi có thông tin, giá dừa tươi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 50%, từ mức 15.000 - 20.000 đồng/chục quả, thì hiện nay đã tăng lên 60.000 - 65.000 đồng/chục quả.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện tại cũng có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 DN xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD năm 2023, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Đánh giá về bức tranh toàn cảnh của xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã có chuyển biến tốt.
Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Riêng về mặt hàng gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE,... hạn chế xuất khẩu là "thời cơ vàng” cho gạo Việt Nam.
Cơ hội nâng thị phần, tăng giá trị xuất khẩu
Nhận định về yếu tố thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia trên thế giới đang thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và DN trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường châu Âu (EU) nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.
Đơn cử như, nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho DN xuất khẩu đăng ký và DN này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.
Quan tâm đến thị trường EU, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, EU là thị trường dẫn dắt những quy định của thị trường xuất khẩu thế giới. Theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Do đó, Việt Nam cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường. Đối với các DN, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà DN cần phải lưu tâm để bảo đảm đa dạng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương đề nghị Đại sứ quán, Tham tán Thương mại tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Trung Đông...).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Riêng với mặt hàng gạo, các chuyên gia nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn. Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang căng thẳng, một số nước cấm xuất khẩu để bảo hộ an ninh lương thực quốc gia, trong khi các khu vực sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á chịu tác động mạnh bởi El Nino khiến sản lượng mặt hàng này giảm mạnh.
Còn với mặt hàng cà phê, theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023/2024. Do lạm phát lan ra toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu, buộc phải tìm đến những mặt hàng cùng loại nhưng giá thành hợp túi tiền hơn.
Cà phê robusta của Việt Nam hưởng lợi, giá xuất khẩu bật tăng mạnh thời gian qua. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.