Xuất khẩu lao động: Một năm vượt khó
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nếu như bình quân mỗi năm tỉnh ta có khoảng 10.000 lao động xuất khẩu, thì năm 2020 chỉ đưa đi được 5.718 người, đạt 57,18% mục tiêu kế hoạch.
Người lao động học tiếng Nhật tại Công ty CP Hợp tác phát triển Bảo Tín trước khi đi xuất khẩu lao động thị trường Nhật Bản.
Địa phương, doanh nghiệp, người lao động gặp khó
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến thị trường các nước phải tạm dừng tiếp nhận lao động. Do đó, nhiều lao động có nhu cầu đi XKLĐ đã trải qua quá trình học nghề, học tiếng nhưng không thể xuất cảnh. Đơn cử như em Nguyễn Văn Tuấn ở xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa). Cuối năm 2018, Tuấn lọt vòng sơ tuyển đầu vào đi XKLĐ Nhật Bản ngành điều dưỡng, được đào tạo tiếng Nhật, thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật và trúng tuyển đơn hàng điều dưỡng Nhật Bản. Những tưởng sau khi học xong sẽ được sang nước bạn làm việc, nhưng đến nay Tuấn vẫn chưa xuất cảnh được do nước sở tại còn hạn chế nhập cảnh để phòng chống dịch COVID-19. Chị Ngô Thị Phương, mẹ Tuấn cho biết: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong con đi XKLĐ để thay đổi cuộc sống nhưng suốt hơn 1 năm qua, gia đình chỉ biết nghe ngóng tình hình và chờ đợi. Bản thân cháu Tuấn cũng không dám đi làm ở đâu mà chỉ ở nhà tự học thêm tiếng Nhật cho thông thạo với hy vọng sẽ được làm việc lâu dài ở Nhật Bản.
Khác với trường hợp của Tuấn, em Trần Đình Quang ở xã An Nông (Triệu Sơn) đã làm việc ở Nhật Bản được gần 3 năm. Cũng bởi ảnh hưởng từ dịch COVID-19, doanh nghiệp em làm ở nước sở tại phải tạm ngưng hoạt động một thời gian dài, khiến việc làm, thu nhập của em và nhiều lao động Việt Nam khác bị ảnh hưởng lớn. Do đó, số tiền em gửi về hỗ trợ cho gia đình trong năm 2020 giảm đi rất nhiều.
Không chỉ người lao động chịu ảnh hưởng, mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Kể cả những doanh nghiệp tuyển chọn, cung ứng được nhiều lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài như Công ty CP Thương mại Tam Quy; Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và Xuất nhập khẩu Thiên Ân (TAMAX); Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC; Công ty Gia Long; Công ty Đức Y; Công ty CP Cung ứng nhân lực Hoàng Long... cũng bị sụt giảm đáng kể các đơn hàng. Nhiều huyện, thị xã, thành phố không đạt chỉ tiêu giao. Ví như huyện Nga Sơn, địa phương có số người tham gia XKLĐ luôn đạt và vượt chỉ tiêu, nhưng trong năm 2020 cũng chỉ đưa được 236 người đi XKLĐ, đạt 67,42% kế hoạch tỉnh giao. Nhiều địa phương có số người đi XKLĐ đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu giao như: TP Thanh Hóa 260/620, đạt 41,9%; TP Sầm Sơn 110/250, đạt 47,6%; thị xã Nghi Sơn 153/300, đạt 51%... Tại các huyện nghèo, tuy được giao chỉ tiêu thấp nhưng cũng không hoàn thành, như Bá Thước chỉ đạt 36,4%, Lang Chánh 22,7%, Quan Hóa 12%...
Nỗ lực vượt khó
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong XKLĐ nhưng tỉnh ta vẫn tiếp tục củng cố và giữ vững các thị trường chính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động. Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa vẫn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng 30.000 người). Trong năm 2020, nhiều huyện có số người đi XKLĐ cao như: Hoằng Hóa 508 người, Hậu Lộc 479 người, Đông Sơn 442 người, Cẩm Thủy 362 người, Yên Định 345 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề ngày càng tăng, chiếm khoảng 50%; trong đó có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tập trung vào các ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học. Hằng năm, số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 150 đến 200 triệu USD. Những địa phương có đông người đi XKLĐ không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt làng quê, mà còn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Khi nhiều lao động về nước đã thành lập doanh nghiệp, làm trang trại... tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.
Năm 2021 tỉnh ta đặt ra mục tiêu đưa 6.000 người đi XKLĐ; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi XKLĐ chiếm 60%. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc khắc phục khó khăn khách quan như dịch bệnh hay các yếu tố bất lợi từ thị trường lao động; thì các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã phải tích cực vào cuộc nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm, XKLĐ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ của Trung ương và địa phương. Lồng ghép các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia XKLĐ đối với các nghề nước bạn có nhu cầu cao. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường mới, ổn định, có thu nhập cao; khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài; giảm tuyển lao động theo các đơn hàng, hợp đồng có thu nhập thấp, việc làm không ổn định. Tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động XKLĐ trên địa bàn để chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động dịch vụ môi giới vi phạm pháp luật. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giải quyết việc làm và XKLĐ. Tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay và nguồn thông tin chính xác liên quan tới hoạt động XKLĐ...