Xuất khẩu gạo của Thái-lan không đạt chỉ tiêu năm 2019
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái-lan dự báo xuất khẩu gạo của nước này trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 8 đến 8,1 triệu tấn, ít hơn 3,5 triệu tấn so khối lượng của năm 2018.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái-lan, ông Chookiat Ophaswongse cho biết, lượng gạo xuất khẩu của nước này chỉ ước đạt 8 đến 8,1 triệu tấn năm 2019, thấp hơn chỉ tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo đặt ra cho cả năm. Trong chín tháng đầu năm nay, Thái-lan xuất khẩu 5,9 triệu tấn gạo. “Rất nhiều nhà xuất khẩu của Thái-lan đã phải chịu thua lỗ do đồng baht của nước này tăng giá, nhưng vẫn cố gắng kinh doanh để bảo vệ thị phần của họ”, ông Chookiat nói.
Thái-lan xuất khẩu tổng cộng 11,09 triệu tấn gạo trong năm 2018, giảm so mức xuất khẩu 11,67 triệu tấn của năm 2017, nhưng nhiều hơn mức 9,91 triệu tấn của năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu gạo Thái-lan năm 2018 tăng 8,3% so năm trước đó, đạt 5,61 tỷ USD và cao hơn nhiều so mức 4,4 tỷ USD của năm 2016. Giá gạo xuất khẩu đạt mức trung bình 507 USD/tấn trong năm 2018, tăng 14,1% so năm 2017.
Xuất khẩu gạo của Thái-lan thường ở mức trung bình 10 triệu tấn mỗi năm, trong đó lượng gạo trắng chiếm một nửa. Tuy nhiên, số lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái-lan trong năm nay được dự báo có thể chỉ đạt mức 3 triệu tấn, giảm 35% so tổng số 5,49 triệu tấn của năm trước, do việc đồng baht tiếp tục tăng giá sẽ khiến cho gạo của Thái-lan đắt hơn giá gạo từ những nước khác.
Trước đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái-lan đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay từ 9,5 triệu tấn xuống mức 9 triệu tấn. Trong đó, gạo trắng sẽ chiếm 3,9 triệu tấn, gạo đồ 2,8 triệu tấn, gạo hom mali 1,3 triệu tấn, gạo thơm 600.000 tấn và gạo nếp 400.000 tấn.
Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái-lan thông qua một khoản ngân sách trị giá 59 tỷ baht (hơn 1,94 tỷ USD) dành cho các chương trình bảo đảm giá và trợ cấp cho gạo, dầu cọ. Trong đó, 13,3 tỷ baht dành cho chương trình bảo đảm giá gạo, 21,4 tỷ baht dành cho dầu cọ và 25 tỷ baht để trợ cấp chi phí sản xuất cho người trồng lúa.
Theo chương trình bảo đảm giá gạo, có thời hạn từ tháng 10-2019 đến tháng 10-2020, sản lượng áp giá của mỗi hộ nông dân tùy thuộc vào giống lúa, nhưng diện tích gieo trồng của từng hộ đối với năm giống lúa được quy định không quá 6,4ha. Nông dân sẽ được trả tiền chênh lệch chỉ khi giá giảm xuống dưới mức chuẩn theo quy định. Chương trình này chính thức bắt đầu từ ngày 15-10 và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) đã chuyển 9,4 tỷ baht tiền bồi thường trực tiếp vào tài khoản của 349.000 nông dân đã đăng ký.
Ngoài việc bảo đảm giá lúa gạo, nhà chức trách sẽ thực hiện các bước nhằm giảm chi phí sản xuất như chi phí cho thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chi phí thu hoạch. Các biện pháp khác bao gồm thúc đẩy nông nghiệp quy mô lớn và sử dụng các giống chất lượng cao, đồng thời mua bảo hiểm cho các vụ mùa. Về lâu dài, người trồng lúa sẽ được đào tạo để trở thành những nông dân thông minh, với sự giúp đỡ của nghiên cứu, phát triển và sáng tạo.
Về ngắn hạn, những biện pháp khẩn cấp sẽ được đưa ra nhằm cân bằng thị trường bằng cách trì hoãn bán hàng thông qua việc gia hạn cho vay hoặc trợ cấp lãi suất cho những thương lái đồng ý lưu kho lúa gạo, duy trì các thị trường xuất khẩu hiện tại và mở rộng những thị trường mới.
MINH ĐỨC
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan