Xuất hiện đội hình máy bay chiến đấu lớn nhất châu Âu
Không quân Nga sẽ phải đối mặt với thách thức mới tại vùng biển Baltic và Bắc Cực trong thời gian tới bởi lực lượng không quân chung Bắc Âu.
Theo Global Times, trong khi Nga và Ukraine đang giao tranh ác liệt, NATO và lực lượng "dự bị" đã tăng cường hợp tác với nỗ lực ngăn chặn Nga trên bầu trời Bắc Âu.
Vào hôm 26/3 vừa qua, bốn quốc gia Bắc Âu đã thông báo rằng họ sẽ kết hợp các phi đội máy bay chiến đấu của mình và đặt dưới một bộ chỉ huy tác chiến chung.
Các quốc gia bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tuyên bố sẽ cùng vận hành một phi đội với tổng cộng khoảng 250 máy bay chiến đấu. Trước đó, tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, các chỉ huy của lực lượng không quân các nước Bắc Âu đã ký thỏa thuận đầu tiên.
Các chỉ huy lực lượng không quân của Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch đã chụp một bức ảnh tập thể sau khi ký kết ý định thư thành lập "Đội hình máy bay chiến đấu trên không Bắc Âu".
Đội hình máy bay chiến đấu trên không Bắc Âu
Có lẽ mọi người đều nhận thấy rằng hai trong số các quốc gia ký kết (Phần Lan và Thụy Điển) chưa phải là quốc gia thành viên chính thức của NATO. Tuy nhiên, Tướng James Heck - Tư lệnh Không quân NATO, người đã tham dự lễ ký kết ý định thư tại căn cứ không quân Đức - cũng nói rõ đội hình máy bay chiến đấu chung này sẽ được "tích hợp" về mặt chức năng vào bộ chỉ huy chiến đấu lớn hơn của NATO.
Các chuyên gia tính toán đội hình máy bay chiến đấu kết hợp của bốn quốc gia Bắc Âu sẽ có khoảng 250 máy bay chiến đấu, sẽ vượt qua Pháp với khoảng 230 máy bay chiến đấu và trở thành lực lượng không quân lớn thứ hai châu Âu sau Nga với khoảng 700 máy bay chiến đấu.
Trang tin Business Insider của Mỹ cho rằng, đội hình không quân chung này sẽ trở thành mối lo ngại nghiêm trọng đối với Nga, bởi 4 nước Bắc Âu đang sở hữu những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất phương Tây.
Theo Qatar Al Jazeera thống kê, Na Uy có 57 máy bay chiến đấu F-16, 37 máy bay chiến đấu F-35 và 15 chiếc F-35 nữa đang được đặt hàng; Phần Lan đã đặt hàng 62 chiếc F/A-18 Hornet và 64 chiếc F-35; Đan Mạch đã đặt hàng 58 chiếc F-16 và 27 chiếc F-35; Thụy Điển có hơn 90 máy bay chiến đấu phản lực Gripen. Tuy nhiên cũng chưa rõ sẽ có bao nhiêu máy bay chiến đấu được các quốc gia này phân bổ cho việc tham gia Đội hình không quân chung Bắc Âu.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, mục tiêu cuối cùng của Đội hình máy bay chiến đấu trên không Bắc Âu là phát triển khái niệm hoạt động trên không phận chung của các nước Bắc Âu với sự hợp tác của NATO, để bốn quốc gia có thể hoạt động liền mạch với nhau như một lực lượng thống nhất.
Thiếu tướng Rolf Flanders, người đứng đầu Lực lượng Không quân Na Uy, cho biết hoạt động này sẽ tạo cơ sở để thành lập một trung tâm hoạt động không quân chung của các nước Bắc Âu.
Ông cũng cho biết cơ cấu chỉ huy của trung tâm cũng có thể bao gồm các cố vấn của Mỹ và Canada. "Chúng tôi có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau. Với tổng cộng gần 250 máy bay chiến đấu hiện đại, đây sẽ là một lực lượng chiến đấu lớn và cần sẽ phải phối hợp với nhau", tướng Rolf Flanders nhấn mạnh.
Ý tưởng từ thế kỉ trước
Ý tưởng thành lập lực lượng không quân này thực ra không mới. Tờ Tin tức quốc phòng của Mỹ cho biết, trên thực tế khái niệm "Lực lượng không quân liên hợp Bắc Âu" bao gồm hơn 250 máy bay chiến đấu tiền tuyến hiện đại, đã là chủ đề thảo luận thường xuyên của chính phủ các nước Bắc Âu kể từ giữa thế kỷ 20, nhưng Thụy Điển và Phần Lan luôn giữ lập trường không liên kết và đó là một trở ngại cho việc thúc đẩy đàm phán này.
Tuy nhiên, với việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, kế hoạch hoạt động chung của "Biệt đội Bắc Âu" do NATO đề xuất đã hồi sinh.
Thiếu tướng Jan Damm, Tư lệnh Lực lượng Không quân Đan Mạch giải thích rằng, hoạt động tích hợp của lực lượng không quân bốn nước Bắc Âu được "kích thích" bởi hoạt động quân sự đặc biệt của Nga chống lại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Hiện tại, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đang bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối. Và ý nghĩa của đội hình máy bay chiến đấu chung của bốn quốc gia Bắc Âu, là ngay cả khi hai quốc gia này không thể gia nhập Liên minh Đại Tây Dương trong thời gian tới, thì sự hợp tác này cũng đảm bảo rằng bất kỳ quốc gia nào trong số họ bị đe dọa hoặc tấn công, cả bốn quốc gia Bắc Âu sẽ tự động đáp trả về mặt không quân.
Nhìn từ trên bản đồ cho thấy các vị trí của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đã bao trọn không phận phía Tây Bắc của Nga. Có thể dự đoán rằng lực lượng không quân Nga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trên không phận Biển Baltic và Bắc Cực trong thời gian tới.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/xuat-hien-doi-hinh-may-bay-chien-dau-lon-nhat-chau-au-ar761273.html