Xuân trên môi em

Tôi đến Mộc Châu - Sơn La vào những ngày đầu Xuân.

Những nụ cười khiến tôi bịn rịn khi tạm biệt Nà Ka. Ảnh: Nguyên Hằng

Tôi đến Mộc Châu - Sơn La vào những ngày đầu Xuân. Khung cảnh nên thơ, con người dễ mến dẫn bước chân tôi đến những suối thác, hang động, rừng đồi… Tôi dạo cảnh lâu hơn tại thung lũng mận Nà Ka, thuộc tiểu khu Pa Khen 3, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Đã qua mùa hoa nhuộm trắng mây trời, thung lũng Nà Ka bây giờ ngút ngàn màu lộc biếc. Từ trên cao nhìn xuống, cả thung lũng như những sóng lụa xanh khổng lồ, vô cùng, vô tận.

Những hàng mận liền kề, thẳng tắp đủ chứng tỏ bàn tay khéo léo của người trồng. Bao quanh thung lũng là những dãy núi trùng trùng, điệp điệp như ôm ấp, chở che, bảo vệ nàng thơ xinh đẹp trong lòng mình. Trái tim tôi tan chảy ngay phút đầu gặp Nà Ka.

Xuôi chân dốc, tôi đi giữa những vườn mận mướt màu Xuân. Trên cành chi chít quả nhỏ vẫn lác đác chùm hoa cuối vụ. Ăn mận tại cây là một trải nghiệm thú vị. Giòn, ngọt, chua, thanh, tươi mới… khiến vị giác của tôi cảm nhận được nắng gió và những giọt ngọc trời kết tinh trong quả mận nơi đây.

Tôi đi dọc thung lũng giữa đắm say, ngây ngất. Vẻ hoang sơ, bình yên của Nà Ka khiến tôi quên tất thảy bộn bề để sống cho giây phút hiện tại, an lạc thân tâm. Tôi đi mà không cần tới, thong dong, nhàn tản… cảm nhận nhựa sống căng tràn sau mùa Đông tàn lá. Tôi yêu thiên nhiên bởi thiên nhiên không phụ bất kỳ ai. Ánh nắng là người bạn, ngọn gió là lời ca, cỏ hoa là tri kỷ. Chúng xoa dịu, chữa lành tâm hồn bất kì ai tìm đến.

Kết thúc một vòng thung lũng, tôi chuẩn bị rời Nà Ka thì gặp nhóm em nhỏ người Mông đang chơi đùa bên những gùi hoa cải. Chẳng cần quen biết, tôi luôn dành cho trẻ em vùng cao một tình yêu đặc biệt. Một tình yêu không lí do. Trong nhóm, có em bạo dạn, có em nhút nhát. Dẫu vậy, tôi nhanh chóng bắt chuyện được với cả nhóm.

Những vườn mận mướt màu Xuân. Ảnh: Nguyên Hằng

Em lớn nhất trong nhóm là Mùa A Kỷ, học lớp 6. Nhà A Kỷ cách trường một giờ đi xe đạp. A Kỷ hay cười, thích học Toán, sợ học Văn mà nói chuyện rất có duyên. Cạnh A Kỷ là A Dơ, Pạ Síu, Sín Tùa... A Dơ học lớp 4, chơi quay giỏi và muốn làm võ sĩ. Pạ Síu là em gái A Dơ. Pạ Síu học lớp 2, cùng trường với anh nên ngày nào hai anh em cũng dắt nhau đi bộ đến trường.

Tôi có một phát hiện là trẻ em ở đây đi bộ rất nhanh, nhanh đến nỗi tôi còn tưởng mình vừa bị ảo giác. Lúc trước, trên đường vào Nà Ka, tôi thoáng thấy hai em nhỏ gùi hoa cải đi trước mặt. Hình ảnh đẹp khiến tôi muốn chụp lại. Tôi dừng xe, với tay lấy máy ảnh.

Khi ngoảnh lại, trước mặt tôi chỉ còn làn sương mờ. Bên phải là vực sâu, bên trái là vách núi, đằng sau tuyệt không một bóng người. Cả con đường chỉ một mình tôi. Càng đi, càng không thấy ai, tôi cố gắng tự trấn an mình rằng hình ảnh hai em nhỏ chỉ là ảo giác nhưng sự thực thì tôi vừa đi vừa chợn rợn, phấp phỏng.

Đi một đoạn dài, thật dài, quanh co qua sườn núi thì nhìn thấy thung lũng Nà Ka. Đúng lúc ấy, tôi giật mình khi thấy bóng hai em gùi hoa đi trước mặt. Lần này, tôi tiến thẳng, không lấy máy ảnh nữa. Trước mắt tôi là hai em nhỏ chừng bảy, tám tuổi - là người bằng xương bằng thịt - tôi đã chạm vào mà không em nào tan biến.

Sau mấy câu chào hỏi, tôi mời hai em ngồi xe cho đỡ mỏi chân. Hai em lắc đầu, đi tiếp. Tôi cũng lên xe và thêm một lần choáng váng khi con dốc dài dằng dặc không lối rẽ không còn bóng hai em nữa. Đến khu chợ nhỏ, tôi kinh ngạc nhìn hai em đứng đó tự lúc nào.

Giờ thì tôi biết trẻ em vùng cao hơn đứt tôi về khả năng đi bộ. Hiển nhiên rồi, các em được luyện rèn từ trong bụng mẹ. Chiêm nghiệm ra điều đó khiến tôi run rẩy oan một quãng đường.

Quay trở lại câu chuyện của nhóm em nhỏ. Thấy chúng tôi trò chuyện vui vẻ cùng nhau, mấy em khác cũng lại gần, nhập cuộc. Các em ríu rít kể cho tôi nghe câu chuyện người Mông đón Tết. Những dao, cuốc, xẻng, búa, rìu… được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ, đặt lên bàn thờ ba ngày Tết.

Đó là cách người Mông tri ân “người bạn” giúp gia đình làm việc suốt năm, suốt mùa. A Kỷ còn hào hứng kể việc em dán giấy đỏ vào bút, sách, vở… để cảm ơn và mong cầu năm mới học hành tiến bộ. Vậy mà cứ bị mẹ trêu nghỉ học, bắt vợ về hái mận.

Các em ríu rít kể nghe câu chuyện người Mông đón Tết. Ảnh: Nguyên Hằng

Những câu chuyện nhà, chuyện trường và ước mơ xa của các em nối tiếp nhau theo tiếng cười rúc rích. Không chút khoảng cách, chúng tôi tự nhiên thân quý nhau.

Dẫu cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng nụ cười của các em không vì thế mà mất đi vẻ hồn nhiên, trong trẻo. Niềm vui không phải chỉ có được khi vật chất đủ đầy. Tôi chợt nhận ra, nụ cười trên những đôi môi nhỏ xinh kia tươi đẹp, thuần khiết như muôn hoa mùa Xuân.

Những nụ cười ấy khiến tôi bịn rịn khi tạm biệt Nà Ka. A Dơ trầm tính lúc trước, phút chia tay cố nói thật to sau lưng tôi:

- Cô sớm quay lại nhé…

“Nếu bạn yêu ai đó, món quà quý nhất bạn có thể tặng họ là sự có mặt của mình” - thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói như vậy. Tôi yêu những nụ cười của các em. Tôi yêu Nà Ka. Và tôi sẽ quay trở lại, tặng các em sự có mặt của mình.

Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xuan-tren-moi-em-post673590.html