Xử mạnh tay để dân TP.HCM có bữa cơm an toàn

Trong hai tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã xử phạt 84 cá nhân, tổ chức vi phạm với số tiền trên 1 tỉ đồng.

“Các cơ quan chức năng TP.HCM phải kiên quyết xử phạt những hành vi sai phạm về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) thì 10 triệu dân TP.HCM mới có bữa cơm an toàn” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, nhấn mạnh.

Phạt nặng cho tởn

Theo báo cáo của Ban Quản lý ATTP TP.HCM, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, đơn vị này đã ban hành 84 quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.

Trong lần kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (TP.HCM), đoàn kiểm tra phát hiện ông Lê Văn Phúc đang bày bán thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị. Ngoài việc phạt ông Phúc trên 12 triệu đồng, đoàn kiểm tra còn buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Tương tự, cơ quan chức năng cũng vừa xử phạt 56 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Mai Đào (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Lý do: Doanh nghiệp này không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Xe máy còn để trong khu vực bảo quản thành phẩm; vỏ bình nước để trực tiếp trên sàn nhà, tại khu vực phơi quần áo của nhân viên. Không chỉ vậy, công ty này còn làm ngơ việc khám sức khỏe định kỳ cho người tham gia sản xuất, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…

Công ty TNHH TM An Cát (quận 7, TP.HCM) cũng bị cơ quan chức năng phạt gần 34 triệu đồng do kho bảo quản thực phẩm ứ đọng nước dưới nền sàn, trần kho ẩm ướt, kho đông rỉ sét và không có chế độ vệ sinh. Chưa hết, xúc xích, kem… yêu cầu phải được bảo quản ở điều kiện đặc biệt nhưng công ty này lại không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Do sử dụng gần 27 tấn tai và da heo không nguồn gốc để sản xuất thực phẩm nên cơ quan chức năng đã phạt cơ sở sản xuất chả lụa, giò thủ Ngọc Châu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) gần 45 triệu đồng. Cơ quan chức năng còn buộc cơ sở này tiêu hủy tang vật vi phạm.

Thanh tra Ban Quản lý ATTP TP.HCM đang kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm của một cơ sở. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Chặn đứng thực trạng “giả mù giả điếc”

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hầu như tất cả cơ sở đều biết quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. “Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Để chặn đứng thực trạng này, Ban Quản lý ATTP TP.HCM kiên quyết xử phạt cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ban cũng đề nghị chính quyền địa phương phạt đúng quy định cơ sở không có giấy chứng nhận” - bà Lan nói.

Đối với những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, bà Lan cho biết các đội thanh tra của ban cũng tăng cường hậu kiểm và xử phạt. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đề nghị chính quyền địa phương thực hiện công tác này. “Không loại trừ khả năng mặc dù được cấp giấy chứng nhận ATTP nhưng vẫn còn cơ sở không thực hiện đúng các điều kiện ATTP trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ thực phẩm mất an toàn sẽ tới tay người tiêu dùng. Do vậy phải hậu kiểm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo chất lượng” - bà Lan nói thêm.

“Nhờ sự nỗ lực hết mình của Ban Quản lý ATTP TP.HCM cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, trong năm 2017 đã không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô hơn 30 người trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trong hai tháng đầu năm 2018. Đây là điều đáng ghi nhận” - bà Lan chia sẻ.

Đầu mối để dân TP.HCM có bữa cơm an toàn

Ngày 11-3-2017, Ban Quản lý ATTP TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. Tính đến ngày 28-2-2018, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã kiểm tra gần 970 cơ sở và phát hiện trên 170 cơ sở vi phạm (18%). Ban đã ra gần 120 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.

Hiện ban đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến trên 800 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện). Ngoài ra, các đội quản lý ATTP thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đã phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã tổ chức triển khai đường dây nóng (số điện thoại 39301714) và đã tiếp nhận gần 60 cuộc gọi phản ánh về vi phạm ATTP. Thanh tra của ban đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo như phản ảnh.

Trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở không phép, phụ gia, thực phẩm chức năng, nước đá...

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng ban Quản lý
An toàn thực phẩm TP.HCM

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/xu-manh-tay-de-dan-tphcm-co-bua-com-an-toan-759069.html