Xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT: Cần chế tài mạnh
Trước thực trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, ngành BHXH Việt Nam đã, đang phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hoạt động giám sát, kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Phát hiện nhiều sai phạm về pháp luật BHXH, BHYT
Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia, tăng thu, giảm nợ đọng chỉ còn 1,7% so với số phải thu; đổi mới phong cách phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, từng bước “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp (DN), người lao động và nhân dân”.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 8.007 đơn vị, DN; kiểm tra tại 9.240 đơn vị; thanh tra kiểm tra liên ngành tại 5.117 đơn vị, DN.
Kết quả thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra, phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian (số tiền truy đóng 125,3 tỷ đồng). Phát hiện 47.393 lao động tham gia thiếu mức quy định (số tiền phải truy đóng 53,3 tỷ đồng). Tổng số tiền các đơn vị, DN nợ trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.542 tỷ đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian thanh tra, kiểm tra là 1.907 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện kiểm tra công tác chi chế độ BHXH, BH thất nghiệp tại các đơn vị, DN, qua đó đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 11,5 tỷ đồng, do người lao động tại đơn vị hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; 7,2 tỷ đồng do hưởng BH thất nghiệp không đúng quy định.
Kiểm tra công tác quản lý, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT yêu cầu thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 158,9 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Đã lập 970 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền xử phạt phải thu là 34,36 tỷ đồng.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại gần 40 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều nội dung thanh toán sai quy định, kiến nghị thu hồi về Quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng.
Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT
Theo các chuyên gia, cần có chế tài mạnh xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT cùng với đó có kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Hiện nay, Ban Thu phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH) Việt Nam xây dựng một quy trình thanh tra đột xuất tự động. Theo đó, căn cứ vào dữ liệu quản lý thu của Ngành, phần mềm sẽ xác định những đơn vị nợ đọng từ ba tháng trở lên và ban hành quyết định thanh tra đột xuất, biên bản thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đặc biệt, năm 2019, cùng vào cuộc với ngành BHXH các bộ, ngành đã sớm có kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý nghiệm tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Theo kế hoạch, năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan BHXH, doanh nghiệp tại địa phương 10 tỉnh, thành phố (Cà Mau, Đồng Tháp, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Trà Vinh, Hải Dương, Quảng Nam, Phú Yên và Cần Thơ).
Trong quý III/2019, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… tiếp nhận, thu thập thông tin từ dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… để làm cơ sở điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động.
Đến quý IV/2019, kiểm tra tình hình chung về việc thi hành chính sách pháp luật cho người lao động tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Khánh Hòa và kiểm tra đột xuất một số địa phương khác. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cho người lao động.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, năm 2019, ngành BHXH tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tăng cường xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang triển khai xây dựng phần mềm về quản lý nợ đọng. Phần mềm này sẽ tự động trích xuất kết quả nợ và mẫu xử phạt với đơn vị sử dụng lao động trên toàn hệ thống để BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành xử lý vi phạm hành chính; sau xử phạt, đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định xử phạt, phần mềm sẽ trích xuất hồ sơ để chuyển cơ quan Công an xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.