Xử lý kiên quyết, biện pháp đồng bộ
Những năm qua, việc kinh doanh xăng, dầu (KDXD) kém chất lượng, gian lận về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn Nghệ An diễn ra khá phức tạp. Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã có những biện pháp, nỗ lực phát hiện nhiều vụ việc KDXD 'bẩn', góp phần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Công tác quản lý chất lượng xăng, dầu được UBND tỉnh Nghệ An quan tâm. Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tăng cường quản lý hoạt động KDXD trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng như Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Công an tỉnh Nghệ An... thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chất lượng xăng, dầu.
Trong năm 2018, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã kiểm tra 48 cơ sở KDXD trên địa bàn, xử lý 34 cơ sở có vi phạm với số tiền hơn 320 triệu đồng. Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hiện có 86 cơ sở đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu được cấp phép, 14 cơ sở chưa đủ điều kiện cấp phép. Đội QLTT số 4 được giao quản lý địa bàn huyện đã phối hợp với lực lượng công an, thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn phòng, chống cháy, nổ, giá, đo lường, chất lượng và các quy định khác trong kinh doanh vận chuyển xăng và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn.
Đợt thanh tra bất ngờ đầu năm 2019, đoàn thanh tra của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, kiểm tra tính nguyên vẹn của niêm phong kẹp chì, dùng bình chuẩn xác định sai số phương tiện đo của 6 doanh nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện 3 doanh nghiệp vi phạm với tổng số tiền xử phạt là hơn 320 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc thực hiện kiểm định lại 3 phương tiện đo vi phạm trước khi bán hàng. Các cơ sở kinh doanh xăng “bẩn”, gian lận thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi, như: Thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo; tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt phương tiện của thiết bị đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép trong KDXD. Các hành vi bán không đúng giá theo quy định và các vi phạm khác trong KDXD…
Theo nhận định của thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, các hành vi vi phạm nghiêm trọng về cả đo lường và chất lượng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời trong thời gian vừa qua phần nào hạn chế tình trạng gian lận trong lĩnh vực KDXD trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, không thể loại trừ một số ít các cơ sở vẫn có ý định làm ăn gian dối, bất chấp thủ đoạn để thu lợi bất chính. Nhằm tạo thế chủ động, lường trước các thủ đoạn, cách thức gian dối của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chính; mặt khác, có thể đánh giá một cách chính xác, khách quan tình hình, diễn biến vi phạm cũng như mức độ đối phó của các cơ sở này mỗi khi có đoàn tiến hành thanh, kiểm tra, lực lượng thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An đã bí mật khảo sát trước.
Về một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, phòng, chống vi phạm trong KDXD trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chánh thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết: “Mặc dù các lực lượng chức năng có xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi các đối tượng vi phạm thường hoạt động rất chủ động, có hệ thống sản xuất và tiêu thụ thì các cơ quan chức năng lại xây dựng kế hoạch đấu tranh đơn lẻ, thường giới hạn theo thẩm quyền của từng đơn vị, thực hiện chia khúc theo thẩm quyền xử lý, địa bàn kiểm tra. Mỗi cơ quan hoạt động theo một quy trình khác nhau, kết quả kiểm tra và xử lý khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau”… Hơn nữa, tại Nghệ An chưa có phòng thực nghiệm chỉ định để kiểm nghiệm mẫu xăng, dầu và mỗi lần kiểm nghiệm phải gửi mẫu đi các cơ sở thực nghiệm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với mức chi phí 6-7 triệu đồng/mẫu kiểm nghiệm.
Để hạn chế, ngăn chặn được những vi phạm trong KDXD, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, cùng hỗ trợ lẫn nhau, tránh sự sơ hở, chồng chéo. Đồng thời, cơ quan cấp trên cần quan tâm hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác lấy mẫu kiểm định chất lượng xăng, dầu; lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực cho lực lượng thanh tra chuyên ngành lĩnh vực KDXD, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn trong kinh doanh mặt hàng này.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xu-ly-kien-quyet-bien-phap-dong-bo-599176