Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, xung đột, sự cạn kiệt của các nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ… cùng những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng hiện nay đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt kịp xu hướng mới là sử dụng điện gió, điện mặt trời nhằm khai thái tiềm năng vô tận của những nguồn năng lượng này.
Báo cáo của Tổ chức Tư vấn khí hậu độc lập Ember dự báo từ năm 2023 này, điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới với việc giảm sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm lượng khí thải của ngành điện.
Báo cáo đánh giá điện toàn cầu thường niên tổng hợp dữ liệu ngành điện của 78 quốc gia - chiếm tới 93% nhu cầu sử dụng điện toàn cầu. Theo đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 12% trong tổng sản lượng điện toàn cầu năm 2022, tăng đáng kể so với mức 10% ghi nhận trong năm 2021.
Australia là một trong những quốc gia phát triển mạnh năng lượng mặt trời, điện gió. Vào tháng 4/2023, cơ quan nghiên cứu nghiên cứu năng lượng độc lập Ember công bố báo cáo cho thấy trong năm 2022, năng lượng mặt trời và điện gió đóng góp gần 1/4 lượng điện được sản xuất tại Australia.
Trong đó, năng lượng gió chiếm tới 10%. Không chỉ đóng góp với tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng của năng lượng mặt trời và điện gió ở Australia lên tới 19%.
Sự phát triển của năng lượng mặt trời và điện gió tại Australia phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. Bởi lẽ, báo cáo của Ember cũng chỉ ra sản lượng điện mặt trời trên toàn thế giới tăng 24%, trở thành nguồn năng lượng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 18 năm qua. Tiếp sau là điện gió với tốc độ tăng trưởng đạt 17%.
Điện mặt trời cũng trở thành xu thế ở Mỹ. Công ty của ông Joe Seaman-Graves, người lập kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo cho thị trấn thuộc tầng lớp lao động ở Cohoes (New York), đã khởi động 28 dự án điện mặt trời nổi ở Mỹ.
Năng lượng mặt trời nổi có nghĩa là các chuyên gia sẽ lắp đặt các tấm pin vào bè để chúng nổi trên mặt nước thay vì trên mặt đất. Các tấm được bịt kín và hoạt động như một cái nắp giúp giảm lượng bốc hơi xuống gần bằng 0, mang lại lợi ích cho các vùng thường xuyên trải qua thời kỳ hạn hán. Nước cũng giữ cho các tấm pin mát mẻ, cho phép tạo ra nhiều điện hơn so với các tấm pin gắn trên mặt đất vốn sẽ mất hiệu quả khi quá nóng.
Hiện nay, một trong những trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất ở Mỹ là dự án 4,8 MW ở Healdsburg, California do Ciel & Terre xây dựng.
Bắt kịp xu hướng năng lượng xanh trên thế giới, Trung Quốc hiện được biết đến là nơi có khu vực năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Đó chính là Trang trại năng lượng mặt trời nổi Dezhou Dingzhuang 320 MW nằm ở Sơn Đông, Trung Quốc.
Trung Quốc có lợi thế là một trong những quốc gia có nhiều sa mạc nhất trên thế giới, với tổng diện tích khoảng 1,2 triệu km2, phân bố chủ yếu ở khu vực miền tây và tây bắc. Những nơi này có khí hậu khô, lượng mưa ít, cường độ bức xạ mặt trời cao. Vậy nên, Trung Quốc đang đầu tư phát triển các công trình phát điện từ năng lượng mặt trời trên sa mạc.
Tại thành phố Trung Vệ thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, nơi có sa mạc Tengger lớn thứ 4 ở Trung Quốc, một hệ thống điện mặt trời với công suất 8,22 triệu kW đã được các kỹ sư lắp đặt, kết nối với điện lưới quốc gia với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhiều khu công nghiệp xung quanh và của người dân ở thành phố hơn 1,2 triệu dân nơi đây.
Tiếp đến, vào ngày 9/9/2022, Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở điện mặt trời rộng 43.000 km2 trên sa mạc Tengger, với công suất lắp đặt lên tới 3 gigawatt.
Mời độc giả xem video: Điện lực Thừa Thiên - Huế lên tiếng việc 200 cột điện gãy, ngã. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (TH)