Xét xử 'liên minh' chiếm đoạt hơn 981 tỉ đồng

Theo cơ quan công tố, lãnh đạo ngân hàng và doanh nhân đã cấu kết thực hiện hành vi phạm pháp để chiếm đoạt số tiền hơn 980 tỉ đồng

Ngày 28-3, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng đối với bị cáo Trần Phương Bình, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB); Nguyễn Thị Ngọ, cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực châu Á Thái Bình Dương; Nguyễn Đức Tài, cựu giám đốc DAB Sở Giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu phó tổng giám đốc DAB.

Kịch bản phạm pháp

Đại diện VKSND TP HCM cáo buộc bị cáo Nguyễn Thị Ngọ là đồng phạm, giúp sức tích cực cho chủ mưu là Trần Phương Bình đạo diễn "màn kịch" dùng chính tiền của DAB để mua cổ phiếu của DAB, từ đó chiếm đoạt trên 981 tỉ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Ngọ và bị cáo Bình quen biết nhau từ năm 1990, qua việc mua bán vàng. Khi bị cáo Bình thành lập DAB vào năm 1992, bị cáo Ngọ tham gia góp vốn. Hai bên hợp tác làm ăn trong thời gian dài. Đến năm 2006, bị cáo Ngọ sử dụng pháp nhân của 4 công ty do vợ chồng mình thành lập, điều hành và nhờ con, cháu, nhân viên đứng tên nhiều khoản vay tại DAB.

Các bị cáo tại tòa

Năm 2007, DAB phát hành cố phiếu, chào bán hai lần nhằm tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng và bị cáo Ngọ cùng chồng mua 26.500 cổ phiếu với giá 339 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận họ đã vay tiền DAB rồi dùng mua lại cổ phiếu của ngân hàng này. Lần đầu, chồng bị cáo đứng tên mua 1.500 cổ phiếu với giá trị 39 tỉ đồng; nguồn tiền từ vốn vay DAB. Sau khi sở hữu số cổ phiếu này, bị cáo Ngọ ngồi vào ghế thành viên HĐQT của DAB. Hai vợ chồng mua thêm 25.000 cổ phiếu với giá 300 tỉ đồng dưới danh nghĩa người khác. Từ đó đến tháng 6-2014, DAB thực hiện 28 lần chia cổ tức cho bị cáo Ngọ và chồng.

Giai đoạn 2019-2023, bị cáo Trần Phương Bình nhiều lần bị đưa ra xét xử vì gây tổn thất nặng nề cho DAB. Vào thời điểm hiện tại, bị cáo này đang thi hành hình phạt tù chung thân.

Năm 2008, các khoản vay trên đến hạn nhưng bị cáo Ngọ không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Để cứu vãn tình hình, "liên minh" lãnh đạo ngân hàng và doanh nhân lại nghĩ ra kịch bản vay vốn tiếp theo. Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới cho bị cáo Ngọ vay hơn 1.000 tỉ đồng nữa để đảo nợ khoản vay cũ.

VKSND TP HCM cáo buộc hành vi nêu trên của bị cáo Ngọ đồng phạm với cựu tổng giám đốc DAB trong việc tạo lập hồ sơ khống, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. Việc này giúp bị cáo Trần Phương Bình che giấu tình hình nợ xấu của DAB, đến nay còn dư nợ 42 khoản vay, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 981 tỉ đồng. Theo VKSND TP HCM, bị cáo Ngọ là người thụ hưởng toàn bộ số tiền mà "liên minh" này chiếm đoạt của DAB.

Bên nói "được nhờ vả", phía khai "chỉ động viên"

Phủ nhận cáo buộc, bị cáo Ngọ tranh cãi gay gắt với đại diện VKSND TP HCM. Bị cáo cho rằng nhiều số liệu liên quan các khoản vay còn dư nợ tại DAB - là căn cứ buộc tội bị cáo không chính xác.

Bị cáo thừa nhận việc mua cổ phiếu của DAB nhằm tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Tuy nhiên, người đạo diễn và hưởng lợi là bị cáo Bình. Theo bị cáo, cựu tổng giám đốc DAB đã nhờ vả và tạo điều kiện vay vốn khi vợ chồng bị cáo làm thủ tục mua cổ phiếu. Việc giải ngân khoản vay mới rồi lấy tiền vay đó trả nợ những khoản vay cũ (dùng mua cổ phiếu) do DAB tự tiến hành trên cơ sở cân đối gốc, lãi khoản vay đến hạn.

Luật sư của bị cáo Ngọ nói rằng thân chủ của mình là nạn nhân bị lừa đảo để trở thành con nợ. Theo luật sư, "chủ thể gây thiệt hại vẫn chưa được tìm ra…".

Tham dự phiên xử với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án, ông Lê Anh Tú (người thân của bị cáo Ngọ) được xác định đã đứng tên một trong những khoản vay khống tại DAB. Ông Tú kể gia đình ông không ai ký vay nhưng "ngân hàng vẫn làm hồ sơ, giải ngân và treo nợ cho chúng tôi". Cạnh đó, ông Tú nói rằng các khoản vay còn dư nợ từ năm 2013 mới gây thiệt hại cho DAB nhưng không được đưa vào vụ án.

Trong khi đó, bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Liên quan việc bị cáo Ngọ vay tiền DAB để mua cổ phiếu của chính ngân hàng này, bị cáo Bình cho rằng thời điểm đó chỉ động viên vì muốn bị cáo Ngọ cùng phát triển ngân hàng. Bị cáo Bình thừa nhận hứa tạo điều kiện cho bị cáo Ngọ vay tiền mua cổ phiếu.

Thuộc cấp của bị cáo Bình, bị cáo Tài, nói rằng bị cáo Ngọ là người đã cung cấp danh sách nhân viên, người thân đứng tên các hợp đồng vay vốn. Cựu giám đốc DAB Sở giao dịch khai những người này làm hồ sơ thật, ký thật, được DAB giải ngân thật nhưng sau đó sử dụng tiền để làm gì thì không biết.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra.

Đối diện các mức án

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo. Cơ quan thực hành quyền công tố xác định bị cáo Trần Phương Bình là chủ mưu trong vụ án, hai thuộc cấp thực hiện theo chỉ đạo của Bình không được hưởng lợi. Bị cáo Ngọ là người giúp sức tích cực và sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt được...

Từ đó, VKSND TP HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 8-9 năm tù; hai bị cáo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân cùng mức đề nghị 2-3 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Ngọ bị đề nghị từ 7-8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố đề nghị buộc bị cáo Ngọ bồi thường hơn 981 tỉ đồng cho DAB.

Bài và ảnh: Ý LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xet-xu-lien-minh-chiem-doat-hon-981-ti-dong-196240328215033965.htm