Xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Đề nghị triệu tập thêm thành viên Hội đồng định giá tài sản
Sáng 17/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cựu Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội 'Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng'. Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn từng là Giám đốc hai bệnh viện lớn. Sau khi rời Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Cùng hầu tòa về tội danh trên là 11 bị cáo khác, trong đó có bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính - kế toán, Bệnh viện Tim Hà Nội), Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là cựu Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng vật tư, Bệnh viện Tim Hà Nội).
Bảy bị cáo còn lại là các cựu lãnh đạo, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát, Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC, Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa hình sự, TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. Nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Tim Hà Nội. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC và hai cá nhân khác ở Hà Nội.
Tại phần khai mạc, chủ tọa phiên tòa thông báo, có một kiểm sát viên thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử vắng mặt do bị ốm. Tuy nhiên, việc vắng mặt của một kiểm sát viên không ảnh hưởng tới quá trình xét xử vụ án, vì các kiểm sát viên khác vẫn thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử vụ án bình thường.
Ngoài sự vắng mặt của một kiểm sát viên, còn vắng mặt một số thành phần tham gia tố tụng khác.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho biết, tại phiên tòa này, có một số người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt. Nhưng trong quá trình điều tra, họ đã có lời khai tại cơ quán điều tra nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Luật sư tham dự phiên tòa đề nghị triệu tập thêm thành viên của Hội đồng định giá tài sản để làm rõ kết luận nội dung liên quan đến thẩm định giá tài sản vật tư y tế được nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, vụ án được xét xử nhiều ngày nên trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì tiếp tục triệu tập họ đến phiên tòa.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đồng quan điểm với đại diện Viện kiểm sát và quyết định tiếp tục xét xử.