Xếp loại viên chức cuối năm mỗi trường làm một kiểu, có giáo viên 'tâm tư'

Nhiều giáo viên 'tâm tư' về việc đánh giá, xếp loại viên chức cuối năm học vì mỗi trường làm một kiểu.

Các trường phổ thông đã và đang đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định này có nội dung đáng chú ý: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng (tương đương 20% - người viết chú thích).

Theo ghi nhận của người viết, việc xếp loại viên chức cuối năm một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có hiện tượng mỗi trường làm một kiểu, điều này khiến nhiều giáo viên "tâm tư".

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Lãnh đạo một trường trung học cơ sở chia sẻ, hiệu trưởng khoán chỉ tiêu 20% xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về cho từng tổ chuyên môn, văn phòng.

Tiếp đến, các tổ trưởng chuyên môn, văn phòng họp thành viên tổ chuyên môn, bỏ phiếu kín để bình bầu giáo viên, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ví dụ, Tổ Toán có 15 giáo viên thì được 3 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thế nhưng, có tổ chỉ có 3 thành viên thì chỉ được 0,6 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì chỉ có 0,6 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên tổ này phải ghép với tổ kia để đánh giá. Ví dụ tổ Tin học (có 3 giáo viên) ghép với tổ Giáo dục công dân-Giáo dục kinh tế và pháp luật (có 3 giáo viên) thì được 1,2 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (làm tròn thành 1 giáo viên).

Và mâu thuẫn nảy sinh là, 2 tổ chuyên môn này không ai chịu nhường ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên tổ trưởng của 2 tổ quyết định đánh giá luân phiên.

Nghĩa là, năm này 1 giáo viên tổ Tin học hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sang năm đến lượt 1 giáo khác của tổ Giáo dục công dân-Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Sau cùng, hiệu trưởng triệu tập các thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng để đánh giá viên chức giáo viên. Các thành viên trong hội đồng chỉ cần biểu quyết (bằng cách giơ tay) thông qua danh sách do các tổ đề xuất là xong.

Cách làm này có ưu điểm là rất nhanh chóng, tuy vậy việc đánh giá cũng không thể nào công bằng tuyệt đối nên vẫn có giáo viên "tâm tư".

Ví dụ, 1 giáo viên tổ Tin học (có 3 giáo viên) được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là do thành tích cao hơn 2 giáo viên còn lại, nhưng hiệu quả công việc thì giáo viên này không thể bằng một số giáo viên hoàn thành Tốt nhiệm vụ của tổ Toán (có 15 giáo viên).

Ở một trường trung học phổ thông khác, theo tìm hiểu của phóng viên, trường này có 100 giáo viên, nhân viên (trong đó có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó). Theo quy định, trường này có thể có tối đa 20 viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trường này có 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó, 12 tổ trưởng chuyên môn/văn phòng và 6 tổ phó chuyên môn/văn phòng - tổng cộng là 21 lãnh đạo và quản lí cấp tổ.

Hiệu trưởng mặc định, cấp lãnh đạo (gồm hiệu trưởng, hiệu phó) 2 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn lại chia đều cho các tổ chuyên môn/văn phòng (18 người).

Các tổ chuyên môn/văn phòng có 18 giáo viên/nhân viên, trong đó có 8 tổ trưởng/tổ phó, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thế nhưng, khi hiệu trưởng cho các thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng bỏ phiếu kín biểu quyết đánh giá thì có 3 tổ trưởng không đạt số phiếu quá 50% (do hiệu trưởng quy định).

Dĩ nhiên, 3 tổ trưởng này không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, trường này chỉ có 17 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đáng nói, 3 tổ trưởng này quản lí tổ chuyên môn giỏi, có nhiều thành tích trong giảng dạy, giáo dục học sinh, được đồng nghiệp tín nhiệm, nhưng họ thường hay lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên trong trường nên không được lòng hiệu trưởng, hiệu phó.

Cùng với đó, nhiều thành viên trong hội đồng thi đua khen thưởng có xu hướng thân với lãnh đạo và cũng không ưa gì các tổ trưởng ngay thẳng này nên họ không bỏ phiếu cho.

Và vì thế, các tổ trưởng này ấm ức vì họ nỗ lực nhưng không được hội đồng ghi nhận nên xảy ra mâu thuẫn với lãnh đạo. Có tổ trưởng đã xin từ chức ngay trong cuộc họp.

Qua sự việc của trường trung học phổ thông nêu trên, có hai điều cần bàn là: Thứ nhất, hiệu trưởng mặc định, cấp lãnh đạo được 2 người (trong số 3 người) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có phù hợp với quy định của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP không?.

Tiếp đó,việc bỏ phiếu biểu quyết để chọn người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là rất bất cập vì có sự nể nang, cảm tính, phe cánh.

Vậy nên, nếu hiệu trưởng không lượng hóa được công việc của giáo viên, nhân viên - được thể hiện qua bảng tiêu chí với những tiêu chuẩn cụ thể - thì việc đánh giá viên chức cuối năm học ít nhiều sẽ gây bất hòa, mâu thuẫn nội bộ.

Giáo viên, nhân viên "tâm tư", nhất là mỗi khi họ không phục cách làm việc của hiệu trưởng thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học, và cuối cùng học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xep-loai-vien-chuc-cuoi-nam-moi-truong-lam-mot-kieu-co-giao-vien-tam-tu-post242925.gd