Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ 01/7/2024) đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Tài nguyên nước 2023 đã có những quy định cụ thể nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định góp phần hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng 2 Nghị định (số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên nước và số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước).
Thông tư (số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước). Các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật với các nguyên tắc, yêu cầu: Đảm bảo hướng dẫn đầy đủ các nội dung đã được Luật giao, đúng tinh thần của Luật đối với từng nội dung chính sách, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan và thi hành ngay sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực. Kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập, bảo đảm tổng thể, toàn diện và sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, các Nghị định, Thông tư đảm bảo tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, đảm bảo rõ trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc triển khai thi hành các chính sách, tránh chồng chéo, xung đột trong quá trình thực thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Ngoài ra, các Nghị định, Thông tư tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp; đơn giản hóa tối đa, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm yêu cầu về nội dung, các hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật về tài nguyên nước. Đáng chú ý, nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng chính sách từ Luật, Nghị định và Thông tư.
Nhận thức được việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm quản lý tài nguyên nước hiệu quả, theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tích cực phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ theo dõi, giám sát và quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước.
Hệ thống được xây dựng với mục tiêu theo dõi, giám sát trực tuyến các công trình khai thác, sử dụng nước mặt; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (giám sát theo giấy phép); thiết kế dựa trên các chuẩn mở để đảm bảo vấn đề kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các hệ thống của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết nối, liên thông được với hệ thống hiện có về quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành; cập nhật tự động hoặc thủ công các thông tin (lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và hình ảnh) vào hệ thống phục vụ giám sát, cảnh báo.
Cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương. Đây là công cụ quan trọng để Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng website, có thể mở trực tiếp trên máy tính và điện thoại di động. Hệ thống được tích hợp và chia sẻ với hệ thống dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo 2 mô hình: Mô hình tổng quát hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương và mô hình liên kết, tích hợp, chia sẻ.