Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Hà Nội: 3 xã đầu tiên về đích

Sau thời gian ngắn triển khai, với nền tảng vững chắc và nỗ lực vượt bậc, 3 xã thuộc huyện Đan Phượng đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kết quả này cho thấy, với quyết tâm cùng giải pháp phù hợp, trong đó có việc khai thác lợi thế từng địa phương, xây dựng nông thôn mới nâng cao không phải cái đích xa vời.

Làng quê giàu đẹp

Xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) sau 3 năm xây dựng nông thôn mới nâng cao đã mang diện mạo mới hơn theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Ở vùng quê này, ấn tượng nhất là trù phú, hiện đại nhưng vẫn giữ được cảnh quan đặc trưng nông thôn.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở xã Song Phượng (huyện Đan Phượng).

Dạo qua những con đường “bích họa” đẹp mắt, xóm làng sạch sẽ, ngăn nắp, thấy rõ ở vùng quê ven đô này, mặc dù đời sống nhộn nhịp, sầm uất, mang dáng dấp đô thị hóa, nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng “mái che, mái vẩy” chìa ra đường hay bậc tam cấp lấn ngõ... Đặc biệt, ở xã Đan Phượng, 100% thôn, làng giữ được hệ thống ao hồ, kè bờ, có lan can bảo vệ, rất an toàn, tạo cảnh quan sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Thám, Trưởng thôn Đoài Khê (xã Đan Phượng) cho hay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong thôn không ngừng được nâng cao. Mới đây, trên địa bàn xã đã lắp đặt dụng cụ thể dục tại các vườn hoa, khu trung tâm... thu hút đông đảo người dân, tạo phong trào rèn luyện sức khỏe rất sôi nổi.

Xã Liên Trung - địa phương có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh nhờ làng nghề chế biến lâm sản - năm 2018 có 238 công ty, doanh nghiệp và 558 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho 95% lao động địa phương và khoảng 1.000 lao động ở các xã lân cận. Nhờ vậy, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo (không tính hộ được hưởng bảo trợ xã hội) chỉ còn 0,24%. Liên Trung cũng là xã đầu tiên trên địa bàn huyện xây dựng và đưa vào hoạt động nhà lưu trữ tro cốt, góp phần đẩy mạnh việc tang văn minh trên địa bàn.

Cùng với Đan Phượng và Liên Trung, Song Phượng là một trong 3 xã được huyện Đan Phượng xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao. Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng Tạ Thị Hải cho hay, đơn vị đã xây dựng kế hoạch sản xuất theo vùng quy hoạch với 63ha rau màu, 21ha cây ăn quả, 20ha hoa... Hợp tác xã cũng vận động thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời, thực hiện điểm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.000m2 trồng rau sạch, có liên kết với các bếp ăn tập thể trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định..., là mô hình điểm để địa phương nhân rộng.

Từ những kết quả đã đạt, mới đây, 3 xã Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung của huyện Đan Phượng đã được Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội đánh giá đủ tiêu chí trình UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Rút kinh nghiệm để nhân rộng

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện Đan Phượng chọn 3 xã trên thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao từ năm 2016. Khi đó, TP Hà Nội vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để có cơ sở thực hiện, huyện đã vận dụng các chỉ đạo của trung ương và thành phố, tìm tòi, sáng tạo trong cách làm. “Chúng tôi tự đặt ra những tiêu chí cao hơn so với nông thôn mới thông thường để thực hiện. Đến tháng 8-2018, sau khi TP Hà Nội ban hành “Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, áp vào thực tế triển khai, cả 3 xã trên đã có nhiều chỉ tiêu đạt và cơ bản đạt so với yêu cầu đề ra” - ông Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ.

Hiện nay, cả 3 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Đan Phượng đều xây dựng ít nhất 1 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở mỗi xã; các cấp trường học đạt chuẩn mức độ 2; lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại các điểm vui chơi… Đặc biệt, các xã đều thực hiện tốt giải pháp giảm nghèo, đáp ứng tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo bằng hoặc nhỏ hơn 1% tổng số hộ; thu nhập bình quân đạt từ 54 triệu đồng/người/năm trở lên; 100% thôn, làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; trên 80% hộ được sử dụng nước sạch; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%... “Kết quả đạt được chính là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của huyện Đan Phượng trong nâng cao chất lượng nông thôn mới, hướng đến một vùng nông thôn đáng sống cho mọi người dân” - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng ghi nhận.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn dựa trên 19 tiêu chí. Tuy nhiên, các chỉ tiêu đặt ra cao hơn nhiều so với xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực rất lớn. Việc 3 xã đầu tiên trên địa bàn huyện Đan Phượng “cán đích” nông thôn mới nâng cao là kinh nghiệm không chỉ cho huyện Đan Phượng mà còn cho các xã khác trên địa bàn TP Hà Nội.

Bài, ảnh: Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/924641/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-o-ha-noi-3-xa-dau-tien-ve-dich